Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 12/4/2011 15:22'(GMT+7)

Ý thức văn hoá nơi cội nguồn thiêng liêng

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng năm nay, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch đã đệ trình lên tổ chức UNESCO quốc tế bộ hồ sơ đề nghị công nhận “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Theo nhận định của các chuyên gia ngành chức năng, rất có thể hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét thẩm định trong kỳ họp sắp tới.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và là đỉnh cao của tâm thức dân tộc. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng này luôn luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi của nhân dân ta. Ngàn đời nay với mỗi người dân nước Việt, hướng về ngày Giỗ Tổ là hướng về nguồn cội dân tộc với tấm lòng thành kính thiêng liêng. Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào có ngày giỗ Quốc Tổ và lễ hội tâm linh đặc sắc như lễ hội Đền Hùng của dân tộc ta.

Các triều đại phong kiến trước đây và Nhà nước của chúng ta hiện nay đều rất quan tâm bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa của mỹ tục này. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng cấp quốc gia, một sự kiện văn hóa lớn trong đời sống xã hội. Những nghi lễ Giỗ Tổ hiện nay đã được chắt lọc và cải tiến, phát huy những giá trị văn hóa của nghi thức truyền thống phù hợp với cuộc sống mới và thời đại mới. Ban tổ chức lễ hội và các ngành chức năng cũng có nhiều cố gắng để mỗi kỳ Giỗ Tổ và lễ hội Đền Hùng thực sự là một sự kiện văn hóa-tâm linh trọn vẹn ý nghĩa.

Tuy nhiên, do quy mô lễ hội lớn, lượng người hành hương về Đất Tổ đông và những bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức, nên những năm trước đây, tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, lộn xộn trong kinh doanh dịch vụ và những tệ nạn tiêu cực, mê tín dị đoan vẫn thường xảy ra. Mong sao lễ hội năm nay và các năm sau, những hiện tượng đó được ngăn ngừa và chấm dứt. Để đạt được kỳ vọng ấy, ngoài sự nỗ lực của Ban tổ chức, chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng, rất cần sự đồng sức đồng lòng của mọi người. Mỗi cá nhân có mặt trong không gian lễ hội, bất luận tuổi tác, ngành nghề, địa vị; dù là người sở tại hay khách thập phương, dù là đến hành lễ hay để mưu sinh... đều cần ý thức được mình đang ở chốn linh thiêng cội nguồn dân tộc. Lễ Hội Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng là dịp để mỗi người dân thể hiện lòng tự tôn dân tộc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Mỗi người phải tự giác, đồng sức đồng lòng giữ gìn cho không gian văn hóa-xã hội nơi cội nguồn được thanh sạch thì lễ hội mới thật sự linh thiêng và ý nghĩa, xứng đáng với ân đức Tổ Tiên và tự hào với bạn bè quốc tế!./.

(Theo: Mai Nam Thắng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất