Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 9/4/2011 15:14'(GMT+7)

Hoạt động tôn giáo ở Việt Nam tăng mạnh trong nhiều năm qua

Đoàn đại sứ, đại biện nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng tại Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) tháng 2-2011. Ảnh: Phương Linh

Đoàn đại sứ, đại biện nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng tại Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) tháng 2-2011. Ảnh: Phương Linh

Một báo cáo thường niên của tổ chức quốc tế “Theo dõi nhân quyền” (Human Rights Watch) công bố mới đây cho rằng, Việt Nam vẫn vi phạm quyền tự do tôn giáo và chính quyền không có khả năng bảo đảm tự do tín ngưỡng cho người dân. Theo nhà sử học Nô-va-cô-va, không chỉ riêng tổ chức Theo dõi nhân quyền mà cả những tổ chức khác của phương Tây cũng thường xuyên có giọng điệu xuyên tạc như vậy. “Đó là những ngôn từ lặp đi lặp lại như một thói quen. Phương Tây dường như bỏ qua một thực tế rằng, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, thế giới đã ghi nhận các hoạt động tự do tôn giáo ở Việt Nam đã gia tăng cũng như các tín ngưỡng truyền thống vẫn tồn tại ở quốc gia Đông Nam Á này”, bà Nô-va-cô-va nhấn mạnh.

Chuyên gia Nô-va-cô-va nhắc lại rằng, trước đây, có lần phái đoàn của Đại sứ quán Mỹ và Ca-na-đa đã thực hiện chuyến đi đến một số tỉnh ở miền núi Việt Nam để tìm hiểu thực trạng tôn giáo của các dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành. Dù được tận mắt chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam, nhưng phương Tây vẫn cáo buộc chính quyền Việt Nam gây cản trở cho hoạt động của những nhà truyền giáo Tin lành. Một điều mà phương Tây đã không hề nhắc tới là trong gần 10 năm qua số lượng tín đồ của giáo hội Tin lành Việt Nam đã tăng thêm 2,5 lần, lên tới hơn một triệu người. Về Hồi giáo, mặc dù số người theo đạo này ở Việt Nam có phần ít hơn so với tín đồ các tôn giáo khác trên thế giới (không quá 70.000 người), nhưng người theo đạo Hồi có gần 100 giáo đường của riêng mình.

Bà Nô-va-cô-va nói: “Tất nhiên ở Việt Nam còn một vài hạn chế liên quan đến hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Nhưng, những hạn chế đó được lý giải không phải bởi quan điểm cộng sản hay thế giới quan vô thần mà bằng hệ tư tưởng truyền thống, khi chính quyền phải dự liệu về mọi việc diễn ra trên lãnh thổ nước mình”. Lý giải về điều đó, nữ chuyên gia Việt Nam học người Mát-xcơ-va này chia sẻ: “Có những tình huống phức tạp trong thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất để xây dựng nhà thờ mới, thu thập hồ sơ cần thiết để xây dựng hoặc sửa chữa ngôi đền thờ cũ… Những chuyện tương tự như thế này cũng thường xảy ra ở các quốc gia thế tục khác, chứ không riêng gì Việt Nam. Đó hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định trong quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo.

Nhà sử học Ốc-xa-na Nô-va-cô-va nhận định rằng, ở Việt Nam quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo được ghi nhận bởi thái độ khoan hòa và sự tôn trọng lẫn nhau. Dẫn số liệu cụ thể, chuyên viên Nô-va-cô-va cho biết, hiện nay ở Việt Nam có gần 10 triệu người theo đạo Phật. Số người theo hai tín ngưỡng bản địa Việt Nam là đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo có 4 triệu người. Việt Nam cũng đứng vị trí thứ hai ở châu Á là nước có nhiều tín đồ Thiên chúa giáo La Mã nhất, với 6 triệu người. Hiện nay, ở Việt Nam có ba giám mục người Việt và Hồng y Giáo chủ người Việt được Va-ti-căng tấn phong đại diện cho lợi ích của tín đồ Ki-tô giáo Việt Nam.

Không chỉ tăng số lượng người theo các tôn giáo khác nhau, ở Việt Nam thường tổ chức các lễ hội tôn giáo, xây cất những nơi thờ tự mới. “Lần đầu tiên ngay sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Việt Nam đã khánh thành nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Bà Rịa. Có rất nhiều sách quảng bá tôn giáo và được bán tự do tại các cửa hiệu ở Việt Nam”, bà Nô-va-cô-va nhấn mạnh.

Nhà sử học Ốc-xa-na Nô-va-cô-va lấy làm tiếc rằng, có lẽ các tác giả soạn thảo bản báo cáo của tổ chức “Theo dõi nhân quyền” đã không muốn chú ý đến sự thực đó. Đây quả điều thật đáng tiếc./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất