Yên Bái - tỉnh miền núi có địa hình tương đối phức tạp, phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, nhiều khe suối. Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, nên địa phương này thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cường suất lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tuy vậy, nhờ sự chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (đặc biệt là giải pháp “4 tại chỗ”), nên thiệt hại về người, tài sản cũng như các công trình thủy lợi, giao thông và nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn đã giảm đi nhiều so với trước đây.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến khó lường, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra hàng trăm vụ thiên tai do mưa bão gây ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, có nhiều vụ gây hậu quả rất nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2022, trên toàn tỉnh xảy ra 102 đợt thiên tai đã làm 91 người chết, 82 người bị thương; hư hỏng 20.512 căn nhà; thiệt hại 17.082 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.412 công trình hạ tầng bị hư hỏng và thiệt hại nhiều tài sản khác. Tổng thiệt hại lên tới 3.211 tỷ đồng.
Riêng trong 10 tháng vừa qua, thiên tai đã làm 8 người chết; 1 người bị thương; hư hỏng 1.612 căn nhà; thiệt hại 1.489,8 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 7 điểm trường, 10 công trình văn hoá, y tế và 169 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; 60.000 m3/225 vị trí sạt lở taluy dương, 475m/22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường; trên 95.000m3 đất đá bị sạt lở tuyến đường dẫn đến các trung tâm xã...
|
Ngoài ra, các nhà máy thuỷ điện Hồ Bố, thủy điện Mường Kim, thủy điện Ma Lừ Thàng cũng bị sạt lở, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành; 132 cột điện bị gẫy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác. Ước tính thiệt hại khoảng 420 tỷ đồng.
Nói về nguyên nhân khiến thiên tai (đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất đá) trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, lũ quét, sạt lở đất đá do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường với những diễn biến phức tạp và ngày càng cực đoan, khó lường. Về mùa mưa, trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa lớn với lượng mưa rất lớn kéo dài liên tục đã gây ngập lụt ở vùng thấp và lũ quét, lũ ống, sạt lở vùng cao.
Việc mưa kéo dài cũng làm đất đá bão hòa, giảm sự liên kết; ma sát giữa các lớp đất đá giảm xuống, gây ra là các hiện tượng như sạt trượt, dẫn đến sạt lở đất.
Thứ hai là do ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên. Như tỉnh Yên Bái là vùng trung du và miền núi, với các điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt nhiều sông, ngòi, khe suối. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất thường dễ xảy ra.
Thứ ba, bên cạnh các yếu tố tự nhiên thì một số tác động của con người cũng là nguyên nhân làm cho thiên tai diễn biến phức tạp hơn. Thực tế cho thấy các hoạt động dân sinh, quá trình phát triển kinh tế xã hội (như chúng ta phát triển hạ tầng, san gạt mặt bằng, xây dựng các công trình như đường giao thông, dự án thủy điện nhỏ, các công trình hạ tầng khác) cũng đã tác động lên bề mặt của đất.
Ngoài ra, chất lượng rừng hay thảm phủ thực vật cũng có suy giảm. Thực tế này đã làm mất cân bằng sự ổn định của các sườn dốc, tác động làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến thoát nước của các sông suối, từ đó gây nên sạt lở đất.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai những giải pháp gì, đồng chí Trần Huy Tuấn thông tin thêm, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là giải pháp “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; và hậu cần tại chỗ. Đây là giải pháp cần quan tâm hàng đầu trong bối cảnh trong điều kiện thực tiễn hiện nay.
Đặc biệt là phải lấy người dân làm gốc và người dân cần phải “hành động” trước khi lực lượng, phương tiện từ bên ngoài tiếp cận tới. Do vậy, chúng tôi xác định là cần phải nâng cao ý thức chủ động của người dân, cộng đồng ở các khu vực có thiên tai. Với các đồng bào, người dân sống trong vùng lũ quét thì phải có ý thức và có sự am hiểu cũng như sự chủ động trong việc phòng, tránh.
Thứ hai, đối với địa phương, chính quyền thì chúng tôi sẽ nâng cao công tác cảnh báo các thiên tai có thể diễn ra đối với các vùng có nguy cơ cao.
Thứ ba, chúng tôi củng cố bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp và bảo đảm tính năng lực chỉ huy, điều hành và rà soát các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.
Hằng năm, tỉnh Yên Bái có xây dựng điều chỉnh kế hoạch cũng như phương án phòng, chống thiên tai ở các cấp rồi mua sắm các trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai.
Đến nay, 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đều xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm và chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
|
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình, dự án (nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, dự án thủy điện nhỏ), trong đó đặc biệt lưu ý tới việc tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Để hạn chế các ảnh hưởng của thiên tai, cùng với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, tỉnh Yên Bái xác định phải thực hiện hiện tốt và đồng bộ quy hoạch tỉnh vừa mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 và Phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro.
Tỉnh cũng xác định tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, phòng chống thiên tai các cấp; lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và người dân, nhất là người dân sống tại các khu vực vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chúng ta cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm thiên tai để đưa ra những khuyến cáo, biện pháp ứng phó phù hợp nhanh nhất.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang được Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) triển khai thực hiện “Dự án nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.” Dự án đã lắp đặt thử nghiệm 2 hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.
Trong công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay, điều quan trọng nhất là sự chủ động phòng tránh là người dân sống ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Người dân cần được thông tin cảnh báo kịp thời để di chuyển đến nơi an toàn; xây dựng bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp ở các địa phương. Vấn đề này đã được Trung ương chỉ đạo, được triển khai, nhưng trên thực tế mới chỉ xây dựng được bản đồ tỷ lệ lớn (tỷ lệ 1:50.000), chưa xác định được chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân.
Trên cơ sở bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp, các địa phương sẽ quy hoạch, phân bố, bố trí lại dân cư hợp lý và có những đầu tư hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước mắt, các địa phương cần tập trung rà soát những điểm, khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở, lũ quét để xây dựng phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ này.
Tỉnh Yên Bái cũng sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực mà có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nâng cao đời sống, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực miền núi; đảm bảo an ninh quốc phòng và giảm thiểu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra./.
Tuấn Anh