(TCTG)- Ngày 14/9 tại Bruxelles, các nhà khoa học đã đưa ra một bảng đánh giá tiêu cực về tình trạng nguồn cá tại các vùng biển của châu Âu và cảnh báo trong nhiều trường hợp, số lượng cá đánh bắt được đã giảm.
Trong một cuộc hội thảo, ông Michael Sissenwine (Uỷ ban quốc tế nghiên cứu về biển) đã đánh giá: tại các vùng biển châu Âu như Đại Tây Dương, biển Bắc và biển Bantích, "2/3 trữ lượng cá đang biến mất nhanh chóng".
Ông Henri Farrugio, Chủ tịch Uỷ ban Ngư nghiệp phụ trách khu vực Địa Trung Hải của FAO (GFCM), đã nêu rõ: tại Địa Trung Hải, theo nghiên cứu chỉ có 9% trữ lượng cá được đánh bắt hợp lý, 68% bị đánh bắt quá mức và 23% bị đánh bắt đến cạn kiệt. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã đề xuất tốt nhất nên duy trì nguyên trạng ở Địa Trung Hải và giảm đánh bắt cá.
Theo ông Farrugio, một số điều lo ngại khác của các nhà khoa học là nhiều loài cá bị đánh bắt khi chúng còn quá bé và vì thế không có khả năng sinh sôi nảy nở. Từ đó, cần thiết phải thiết lập các khu vực cư trú an toàn cho các loài cá tại các hẻm vực dưới thềm lục địa (như trường hợp tại vịnh Sư tử) và hạn chế đánh cá ở đó.
Ông Sissenwine cho biết: tại biển Celtic phía Tây Xcốtlen, các nhà khoa học lo ngại đối với sự sống sót của cá Moruy chấm đen và đề nghị cấm đánh bắt loài cá này. Uỷ viên châu Âu phụ trách ngư nghiệp Maria Damanaki đánh giá: "Mọi ý kiến của các nhà khoa học cần là cơ sở để ra quyết định", trong đó các ban ngành thời gian tới cần phải đề xuất hạn ngạch đánh bắt cá tối đa cho phép để bảo tồn cá tại các vùng biển châu Âu trong năm 2011./.
Theo báo LEMONDE.fr (Tin dịch)