PV: Đến nay đã gần 1 năm kể từ khi các đội viên Dự án về làm Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả ban đầu của Dự án này?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho Dự án là 600 đội viên, tuy nhiên, do có 20 xã thuộc huyện nghèo đã bố trí đủ 2 PCT, nên theo quy định, các xã này không được bổ sung thêm PCT.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đã cùng các tỉnh hoàn thành việc tuyển chọn, tập huấn cho 580 đội viên của Dự án, đây là số lượng chính thức cuối cùng.
Đã có 550 đội viên được chính quyền xã bầu, phê chuẩn chức danh PCT UBND xã. Đội viên Dự án bắt tay chính thức vào công việc sớm nhất là từ ngày 1/3/2012.
Đối với 30 đội viên Dự án vừa tuyển dụng thêm để bổ sung cho 6 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bộ Nội vụ đang cùng UBND các tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành họp HĐND xã để tổ chức bầu vào chức danh PCT UBND xã, công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 12/2012.
Đến thời điểm này, tất cả các đội viên đều tập trung công tác, quyết tâm và đang tích cực triển khai nhiệm vụ.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết những đóng góp nổi bật của các tân PCT xã trong thời gian qua? Đã có những dự án, công trình nào của đội viên thật sự hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương chưa, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Qua kiểm tra đánh giá, tất cả các đội viên Dự án đã về làm PCT UBND các xã cơ bản rất nhiệt tình, hăng hái, có trách nhiệm, vượt qua khó khăn, bước đầu nhanh chóng nắm tình hình ở cơ sở, thực hiện chức trách của PCT UBND xã.
Thông qua kiến thức đã học, đi thực tế và trực tiếp làm việc tại địa phương, nhiều em đã đề xuất phương hướng phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở có giá trị, được địa phương ghi nhận.
Có thể đơn cử một số đội viên điển hình như: Em Tráng Seo Pao, PCT UBND xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện thành công Đề án đường liên gia, đồng thời liên hệ được Cục Thuế tỉnh Lào Cai hỗ trợ kinh phí để thực hiện.
Em Nguyễn Thị Huyền, PCT UBND xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, triển khai Dự án phát triển Du lịch cộng đồng tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân. Đề án này đã được UBND huyện phê duyệt và đang triển khai thực hiện.
Em Vũ Thị Chiến, PCT UBND xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, triển khai Dự án trồng ngô đông trên đất 2 lúa tại xã Giao Thiện. Đề án này đã được UBND huyện phê duyệt và hỗ trợ kinh phí để thực hiện.
Em Trịnh Thị Thùy, PCT UBND xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, triển khai Dự án trồng rau xanh tại Xuân Phú. Đề án này đã được triển khai trên địa bàn xã và đã được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là điển hình của tỉnh năm 2012.
Có thể thấy, sau khi đi thực tế mỗi đội viên sẽ xây dựng, đề xuất một đề án/dự án để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Có rất nhiều đề án tốt và các em sẽ áp dụng tại địa phương. Tôi tin rằng đây là kết quả bước đầu, chắc chắn sẽ có nhiều đề án được áp dụng trong thực tiễn có kết quả.
PV: Theo Thứ trưởng, khó khăn lớn nhất của các tân PCT xã trong thời gian “nhập cuộc” vừa qua là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Khi về công tác tại các vùng dân tộc, khó khăn trước hết đội viên gặp phải là bất đồng ngôn ngữ.
Một điểm nữa là mặc dù có đội viên đã có thời gian được đào tạo bài bản tại các trường đại học, khi tham gia Dự án lại được tập huấn 3 tháng, đi thực tế, tuy nhiên đây vẫn là lần đầu tiên làm việc với vai trò một PCT UBND xã, do vậy nhiều em gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.
Mặt khác, do điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên lúc đầu về xã các đội viên cũng gặp những lúng túng nhất định.
Song, trong những khó khăn trên, thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, phối hợp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở xã và sự ủng hộ của người dân địa phương (sự đồng thuận của cán bộ xã và bà con các thôn, bản).
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này trước hết mỗi đội viên Dự án cần khơi thông mối quan hệ phối hợp công tác để tổ chức chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở xã; đồng thời cấp ủy và chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện và trực tiếp là cấp xã cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để đội viên nắm bắt nhanh công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dự án 600 Phó Chủ tịch xã được thực hiện theo Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án được triển khai từ năm 2011 và sẽ kéo dài đến hết thời gian thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ – CP.
Đến nay đã có 580 Đội viên thuộc 10 lớp bồi dưỡng hoàn thành tập huấn với 580 đề án được thông qua. 550 Đội viên chính thức được phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. |
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, công tác theo dõi hoạt động đội viên Dự án được tiến hành như thế nào để đánh giá được thực chất quá trình hoàn thành nhiệm vụ của đội viên cũng như hiệu quả Dự án?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Công tác theo dõi, đánh giá đội viên Dự án được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ từ UBND các xã đến Bộ Nội vụ.
Hàng tháng, UBND huyện yêu cầu các xã có đội viên Dự án báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội viên ở xã. Trên cơ sở tập hợp báo cáo chung của các xã, huyện sẽ gửi báo cáo lên Sở Nội vụ. Sở Nội vụ các tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo từ các huyện và gửi về Ban Quản lý Dự án 600 PCT xã để báo cáo Bộ Nội vụ.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Sở Nội vụ các tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại các xã để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong việc phân công công việc, thực hiện chế độ đối với đội viên Dự án; tổ chức đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đến thăm đội viên sau khi về xã công tác…
Mặt khác, Ban Quản lý Dự án có bộ phận theo dõi, nắm bắt thông tin trực tiếp từ các đội viên phản ánh về Bộ Nội vụ. Thông qua đó, Bộ Nội vụ thường xuyên nắm bắt được kết quả công tác của đội viên, những thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị, đề xuất để có biện pháp giải quyết và tháo gỡ kịp thời.
Công tác kiểm tra, đánh giá ban đầu đã giúp các đội viên hình dung được chức trách, nhiệm vụ cụ thể của PCT, nhất là phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo xã (phân công, giao việc, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện…).
PV: Theo ghi nhận, đội viên Dự án vẫn còn nhiều băn khoăn về cơ chế đầu ra khi dự án kết thúc. Vấn đề này được giải quyết như thế nào để tạo động lực phấn đấu cho đội viên? Sắp tới Bộ Nội vụ có những giải pháp gì để hỗ trợ, giúp các đội viên phát huy hơn nữa năng lực của mình?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Cơ chế chính sách đối với đội viên tham gia thực hiện Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể trong Văn kiện của Dự án.
Theo đó, nếu đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 3 năm hoặc hoàn thành nhiệm vụ sau 5 năm thì đội viên được xét chuyển thành công chức. Nếu đội viên đó có nhu cầu và có điều kiện phát huy tại xã thì sẽ tiếp tục đảm nhiệm công việc đó hoặc đảm nhiệm nhiệm vụ cao. Trường hợp đội viên đó có nhu cầu thì được luân chuyển lên cấp huyện hoặc cấp tỉnh.
Theo kế hoạch, tháng 6/2013, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các đội viên Dự án. Trong đó tập trung bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho các đội viên.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các Sở Nội vụ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn về kinh tế, xã hội cho các đội viên Dự án.
PV: Với những kết quả ban đầu của Dự án như Thứ trưởng đã nêu, có thể xem đây như là mô hình tốt trong việc đề ra các chính sách về cán bộ không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng tôi cho rằng đây cũng là một khâu đột phá về công tác tổ chức cán bộ ở nước ta hiện nay. Vì trên thực tế, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện cũng đã có những đợt tuyển chọn thanh niên đưa về cơ sở, tuy nhiên những đợt tuyển chọn này chỉ tuyển cán bộ, công chức bình thường.
Đây là Dự án đầu tiên thực hiện tuyển chọn thanh niên tốt nghiệp ở các trường đại học, sau đó thông qua bồi dưỡng, tập huấn, đi thực tế cơ sở để đưa về làm việc với chức danh PCT UBND xã.
Mục tiêu của Dự án này ngoài việc tăng cường nhân lực để giúp cấp ủy chính quyền các xã thuộc 62 huyện nghèo chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo thì còn mục tiêu quan trọng nữa là tạo môi trường để trí thức trẻ được tôi luyện, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn.
Nếu Dự án thành công, khẳng định được hiệu quả của quá trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở, thì đây cũng là một bài học đồng thời cũng là kinh nghiệm để chúng ta hoàn thiện, xây dựng chế độ chính sách tuyển dụng, thông qua đó, phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ để bổ sung vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Hằng Nga/Cổng TTĐTCP)