Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 1956/TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội..., số người lao động không có việc làm ở nông thôn trong diện bị thu hồi đất là khoảng 14 ngàn người ở nước ta .
Trước khi công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, “vấn đề tạo việc làm” hầu như không được chú ý cả về nhận thức và thực tiễn. Người lao động nói chung và người lao động ở nông thôn nói riêng thường phụ thuộc vào tập thể về vấn đề việc làm. Động lực cho người lao động làm việc ngày càng giảm sút cho nên “căn bệnh” ỷ lại, vô trách nhiệm nảy sinh... Còn tồn tại những nhận thức giản đơn cho rằng trong chủ nghĩa xã hội, “đương nhiên” là không thể có thất nghiệp, khủng hoảng... Nguyên nhân của những thực trạng trên là do các cấp lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cơ sở nông thôn, trong nhiều năm vẫn còn chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về thất nghiệp, thiếu việc làm, tạo việc làm v.v...
Trong xu hướng “xã hội hóa” hiện nay, nhiều trường hợp đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn không có khả năng huy động về tài chính, về đất đai, vật lực, nhân lực... để đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn vì thiếu sức thuyết phục về khoa học và thực tiễn khả thi...; hoặc do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, luật pháp, thậm chí có những sách nhiễu cản trở... Một số trường hợp có thể huy động được các nguồn vốn về tài chính, đất đai, vật tư, nhân lực... nhưng lại không có khả năng tổ chức thực tiễn để gắn kết các nguồn lực đó với các loại chủ thể trực tiếp tham gia quá trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn theo những mục tiêu chung, gây nhiều lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam đã không ít những hoạt động, những “mô hình”, những điển hình... thành công trong những năm qua về quá trình kết hợp tốt việc huy động các nguồn lực tổng hợp, đồng thời có tổ chức thực tiễn gắn kết các chủ thể tham gia các chương trình, các dự án... đào tạo nghề và tạo việc làm ngày càng nhiều cho người lao động ở nông thôn ; kể cả việc xây dựng các cơ sở dạy nghề lẫn việc xuất khẩu lao động... một cách có chất lượng và bền vững hơn ở các huyện thuộc các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên v.v...
Qua khảo sát thực tiễn những năm đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn nước ta, nhất là sau 2 năm thực hiện đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Bài học thứ nhất là, phải có những nhận thức mới, đúng đắn, sát thực tiễn và thông suốt về cơ bản, chung quanh vấn đề việc làm... từ cấp trên xuống cấp dưới rồi tuyên truyền cho đến mỗi người lao động ở nông thôn (cho dù còn khác nhau về trình độ, nhưng vẫn thống nhất và đổi mới về cơ bản những nhận thức đó) thì triển khai quá trình tạo việc làm mới có hiệu quả tốt.
Bài học thứ hai là, phải điều tra, đánh giá sát tình hình thực tiễn về các tiềm năng của đất nước, của mỗi ngành, mỗi vùng miền, địa phương và cơ sở... ( về cơ cấu kinh tế hiện có; về lực lượng lao động; nhu cầu thực sự của mỗi địa phương, của các doanh nghiệp về lao động v.v...). Trên cơ sở đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng đắn, gắn với đầu tư và đào tạo nguồn lao động
Bài học thứ ba là, phải huy động được nhiều loại nguồn vốn có tính tổng hợp của việc liên kết, liên doanh, phối hợp với, ràng buộc chủ yếu bằng pháp luật - một trong những điều kiện quan trọng trực tiếp nhất cho quá trình triển khai các chủ trương, chương trình, dự án... về đào tạo nghề và taọ việc làm bền vững cho người lao động ở nông thôn...
Bài học thứ tư là, phải tiếp tục xây dựng nhiều loại hình doanh nghiệp“công nghiệp nông thôn”” Dịch vụ nông thôn”... chủ yếu là gồm các loại nhỏ và vừa, phục vụ trực tiếp, có hiệu quả thiết thực cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - gắn với chương trình Quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới”.Thông thoát “đầu vào - đầu ra” cho quá trình phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn . Đó vừa là cơ sở vừa là môi trường đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Bài học thứ năm là, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh, “nhân rộng” điển hình tốt, thưởng, phạt, rút kinh nghiệm... trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cụ thể và sát hợp... phải thuộc về các cấp ủy Đảng, Nhà nước, huy động các tổ chức đoàn thể của nhân dân ở nông thôn; các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo... cùng tham gia một cách rất rộng rãi... thì vấn đề đào tạo và sử dụng lao động ở nông thôn mới có kết quả tốt và bền vững...
Từ những thành quả và hạn chế của quá trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn những năm qua, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm tạo việc làm bền vững cho lao động ở nông thôn nước ta những năm tới .
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho lao động ở nông thôn. Nội dung chủ yếu của nhận thức mới cần nâng cao cho cán bộ và nhân dân là: Một số quan điểm và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ( có các Chương trình, Đề án, Dự án…lớn…). Làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rằng: tạo việc làm bền vững cho lao đông ở nông thôn là một quá trình hoạt động có tổ chức, có kế hoạch khoa học và sát thực tiễn để hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các gia đình và mỗi người lao động tạo thành sức mạnh tổng hợp thường xuyên tạo điều kiện cho mỗi người lao động ở nông thôn được đào tạo nghề với trình độ ngày càng cao hơn, được làm việc đúng nghề nghiệp, ổn định lâu dài nhằm đảm bảo và nâng cao thu nhập, chất lượng sống của họ và gia đình .
Hai là, điều tra cơ bản một cách xác thực về mọi khả năng, tiềm năng của địa phương, cơ sở…làm căn cứ thực tiễn đúng đắn cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động một cách phù hợp, hiệu quả .
Những đặc thù về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống…của mỗi địa phương, cơ sở đều cần được điều tra, thống kê, đánh giá đúng mức ( về dân số, lao động, đất đai, ngành nghề, thế mạnh, các nguồn vốn…hiện có và những khả năng thực tế của sự hợp tác đa dạng…). Từ đó xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách phù hợp. Chỉ như vậy mới có căn cứ để đầu tư, đào tạo và sử dụng lao động một cách hiệu quả, bền vững…trong cơ cấu kinh tế mới, đặc biệt là hình thành các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nhỏ và vừa, các trang trại…nơi vừa đào tạo, vừa sử dụng lao động ở nông thôn .
Ba là, củng cố, phát triển các cơ sở đào tạo nghề ở nông thôn ; gắn việc tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật với đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức… đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tận dụng và mở rộng mạng lưới giáo viên, hướng dẫn viên ngay trong các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ ; bước đầu có những thiết bị hiện đại, trong nước và của nước ngoài…trực tiếp dạy nghề cho lao động ở nông thôn …
Chú trọng thao tác tay nghề hơn nữa để người lao động có thể đáp ứng tốt yêu cầu các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ mới, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới .
Bốn là, kết nối liên thông giữa các cơ sở dạy nghề với các cơ sở giới thiệu-xúc tiến việc làm, nhất là với các doanh nghiệp, các trang trại, các trung tâm dịch vụ đa dạng…ngay ở nông thôn để lao động ở nông thôn có việc làm đúng với tay nghề họ đã được đào tạo. Tránh đào tạo một cách hình thức “ không có địa chỉ”, gây lãng phí và người lao động nông thôn bị thiệt thòi, mất niềm tin về việc làm… Thu nhập của lao động ở nông thôn sẽ cao hơn, ổn định và bền vững hơn .
Năm là, các cấp ủy Đảng, Nhà nước, Đoàn thể…thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, đi sát thực tiễn cơ sở trong suốt quá trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn. Nắm chắc và biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án…của cấp trên vào hoàn cảnh ở cấp dưới và cơ sở… Có lịch giám sát, kiểm tra, đôn đốc, phát huy các điển hình tốt, chấn chỉnh những lệch lạc, ngăn chặn những sai lầm, tháo gỡ những vướng mắc…cho cơ sở một cách kịp thời, hiệu quả… Quy trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi cán bộ phụ trách các việc cụ thể ; tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm…để hoàn chính dần quá trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Đỗ Viết Bằng