Từ hơn 60 bình chọn của các nhà báo theo dõi lĩnh vực Khoa học và Công
nghệ trên cả nước, ngày 23/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ
Việt Nam đã tổ chức lễ công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2015 và kỷ
niệm 10 năm kể từ ngày đầu tiên sự kiện này được ra mắt.
Các bình chọn này được phân làm 6 lĩnh vực, gồm cơ chế chính sách; khoa
học xã hội và nhân văn; nghiên cứu ứng dụng; hội nhập quốc tế và tôn
vinh các nhà khoa học.
Theo đó, ở lĩnh vực cơ chế chính sách, sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học không chuyên nghiệp và nhà khoa học trẻ
được lựa chọn. Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các
buổi gặp gỡ này, tạo điều kiện cho các nhà khoa học kiến nghị với Đảng
và Nhà nước những cơ chế, chính sách phù hợp để có thể đóng góp nhiều
hơn cho đất nước và cho nền khoa học.
Sự kiện thứ hai là Ngày hội Khởi nghiệp công nghệ Việt Nam
2015. Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, thu hút hơn 1.000
lượt đại biểu là quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp,
các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm… tham gia. Sau sự kiện này, nhiều
đơn vị đã tổ chức hàng loạt hội thảo kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp
trong nước và các nhà đầu tư.
Thứ ba là sự kiện Hà Nội khánh thành Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và giám định công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Trung tâm nghiên này rộng 2,1 ha, là khu phức hợp liên thông về khoa
học-công nghệ lớn nhất cả nước, đáp ứng chỗ làm việc cho 200 nhà khoa
học, có thể liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện, trường,
phòng nghiên cứu khác trong nước và quốc tế. Trung tâm sẽ là nơi nghiên
cứu trọng điểm của cả nước, và cũng sẽ là nơi tập trung các chương trình
hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam với quốc tế.
Dây
chuyền sản xuất pin Mặt Trời tại Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công
nghệ và giám định công nghệ. (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội)
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có một sự kiện được lựa chọn là Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
Hội thảo không chỉ là nơi thể hiện tiếng nói đồng cảm về những giá trị
tinh thần của Nguyễn Du mà còn là dịp mở rộng giao lưu, quảng bá giá trị
tinh hoa của văn học cổ điển, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, sự kiện được lựa chọn là UNESCO công nhận hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật Lý của Việt Nam là trung tâm dạng hai.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc các Trung tâm quốc tế về
Toán học, Vật lý được UNESCO công nhận, bảo trợ sẽ giúp nâng cao vị thế
của khoa học Việt Nam, đưa nền khoa học và công nghệ hội nhập sâu rộng
với khu vực và thế giới.
Đây cũng là công nhận của quốc tế đối với trí tuệ Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên, văn hóa.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, có 3 sự kiện được lựa chọn. Thứ nhất là lần đầu tiên ghép thận thành công từ người cho tim ngừng đập tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đây là kết quả của đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu
triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập,” mã số KC.10.28/11-15
(do phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn làm chủ nhiệm). Thành công
của đề tài đem lại hy vọng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người
bệnh, giảm chi phí cho họ khi phải ra nước ngoài điều trị.
Sự kiện thứ hai là cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển.
Giải pháp này của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên
Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BUSADCO).
Thứ ba là sự kiện bắn trình diễn thành công vũ khí mới. Đây là
sản phẩm của Đề án KC.NQ06 và một số nhiệm vụ độc lập cấp Bộ Quốc phòng
do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chủ trì nghiên cứu, thiết kế và chế
thử. Với sự chuẩn bị chu đáo và chấp hành nghiêm các quy tắc trong quá
trình thực hành bắn, buổi bắn trình diễn đã thành công tốt đẹp, bảo đảm
an toàn tuyệt đối.
Dây chuyền sản xuất điện thoại của Viettel. (Ảnh: Vietnam+)
Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, sự kiện được chọn là Việt Nam vào top 3 ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2015 của tổ chức Sở hữu
Trí tuệ Thế giới và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh
INSEAD (Pháp), Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế, tăng
19 bậc so với năm 2014.
Đây được cho là một bước tăng bậc ngoạn mục của Việt Nam nhờ đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ trong năm vừa qua.
Cuối cùng, ở lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học, việc tiến sỹ Trần Hà Liên Phương (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” của quỹ L’Oréal – UNESCO cho công trình nghiên cứu điều trị ung thư đã được lựa chọn.
Công trình nghiên cứu của Tiến sỹ Phương về hệ mixen chứa fucoidan trong
ứng dụng điều trị và hỗ trợ quan sát mô ung thư, giúp cho việc điều trị
hiệu quả, chi phí thấp, ít phản ứng phụ hơn. Hướng nghiên cứu này sẽ
đóng góp hiệu quả trong công tác điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam./.
(Vietnam+)