Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ
lễ (28/4-2/5), cả nước xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông, làm chết 132
người, bị thương 152 người, mất tích 3 người.
Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 200 vụ, làm chết 122 người, bị thương
151 người; đường thủy xảy ra 9 vụ, làm chết 8 người, mất tích 3 người;
đường sắt xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 46.520 trường
hợp vi phạm trậ tự an toàn giao thông; nộp kho bạc Nhà nước hơn15,1 tỷ
đồng; tạm giữ 167 xe ôtô, 5.917 xe môtô, tước 1.352 giấy phép lái xe.
Chỉ tính riêng trong ngày 2/5, cả nước xảy ra 49 vụ, làm chết 41 người,
bị thương 43 người; trong đó tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 45 vụ,
làm chết 37 người, bị thương 43 người; đường thuỷ xảy ra 4 vụ, làm chết 4
người; đường sắt không xảy ra tai nạn.
“Đây là ngày có số người chết tai nạn giao thông cao nhất kể từ đầu đợt
nghỉ lễ,” ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia cho biết.
Cũng trong ngày 2/5, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm
tra, xử lý 8.094 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp kho
bạc Nhà nước gần 2 tỷ đồng; tạm giữ 26 xe ôtô, 1.357 xe môtô, tước 107
giấy phép lái xe.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia, ngày 2/5 nhận được hơn 40 cuộc gọi phản ánh về tình trạng
nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, vượt quá tốc độ quy định,
tập trung chủ yếu các tuyến từ Thanh Hóa-Hà Nội.
“Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu
cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi chở quá số
người quy định theo thông tin được phản ánh,” ông Nguyễn Trọng Thái
khẳng định.
Theo nhận định của lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vào ngày
mai Chủ nhật (mùng 3/5) là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, dự báo sẽ là
ngày cao điểm hành khách trở về các thành phố lớn làm việc đặc biệt là
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Vì vậy, các lực lượng chức năng mà chủ chốt là lực lượng Cảnh sát giao
thông và Thanh tra giao thông cần tăng cường quản lý các hoạt động vận
tải đặc biệt là vận tải hành khách, kiểm soát chặt chẽ xe xuất bến, bảo
đảm không có xe khách chở quá số người quy định xuất bến, không có hiện
tượng thu vé quá quy định đồng thời lực lượng cảnh sát giao thông phối
hợp với thanh tra giao thông tăng cường ứng trực, tuần tra, kiểm soát
trên các tuyến giao thông trọng điểm dẫn vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí
Minh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao
thông; lực lượng cứu hộ giao thông tăng cường ứng trực, giải quyết kịp
thời các sự cố giao thông xảy ra trên đường bảo đảm không để xảy ra các
tình huống ùn tắc kéo dài…
Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng khuyến cáo các bến xe
cần phải có các phương án tổ chức giao thông, bố trí nhân lực phối hợp
với lực lượng công an, thanh tra giao thông và các lực lượng khác kiểm
tra, kiểm soát bảo đảm người dân đi lại an toàn khi quay trở lại thành
phố làm việc./.
(Vietnam+)