Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 23/2/2009 19:14'(GMT+7)

2009 - báo hiệu một năm “nóng” về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Hình ảnh Đoàn thành tra làm việc tại công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh, Hà Nội.

Hình ảnh Đoàn thành tra làm việc tại công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh, Hà Nội.

Trước đó, vào ngày 18/2/2009, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh máy tính trên địa bàn Hà Nội là công ty TNHH Thương mại quốc tế Thủy Linh.

Đó là đợt thanh tra khuyến cáo về bản quyền phần mềm đầu tiên được thực hiện trong năm 2009 sau khi Chỉ thị 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng mới được ban hành. Với Chỉ thị này việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, các quyền liên quan được Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết nhằm tạo ra một môi trường sáng tạo, hấp dẫn các nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết: “Năm 2009 sẽ là một năm mà các hoạt động thực thi về quyền tác giả và các quyền liên quan được tăng cường mạnh mẽ sau Chỉ thị 36 của Thủ tướng chính phủ. Bản quyền phần mềm vẫn là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất và chúng tôi tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động thanh tra và các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Đồng thời chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh máy tính bởi đây là một trong những kênh làm tăng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.”

Trong cuộc thanh tra được thực hiện tại công ty TNHH Thương mại quốc tế Thủy Linh, chuyên về kinh doanh máy tính, thiết bị vi tính viễn thông, hàng điện tử, có địa chỉ tại 31 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra và phát hiện 36 máy tính cài đặt chương trình Microsoft Window XP Professional 2002 không có bản quyền. Trước những chứng cứ trên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Thủy Linh, ông Nguyễn Anh Linh đã thừa nhận số máy vi phạm trên và ký vào biên bản thanh tra.

Cũng theo thông tin từ Đoàn thanh tra, công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh đã ký vào biên bản nhận khuyến cáo về chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến chương trình máy tính vào cuối tháng 12/2008 nhưng doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm. Đoàn thanh tra liên ngành cho biết sẽ ban hành quyết định xử phạt công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh căn cứ vào Luật Sở hữu Trí tuệ và Nghị định số 56/2006 NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thông tin.

Mới đây, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành tuần tra nhắc nhở và gửi khuyến cáo trực tiếp tới 13 công ty phân phối máy tính trên phố Võ Văn Tần, Q3, TP. Hồ Chí Minh. Tất cả 13 công ty đã ký vào biên bản nhận khuyến cáo về chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến chương trình máy tính. Trong văn bản khuyến cáo trên Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL nêu rõ: “Các chương trình máy tính là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam. Trong khuôn khổ các hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao ý thức pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính, chúng tôi khuyến cáo các công ty đang có hoạt động kinh doanh máy tính không sao chép, cài đặt, sử dụng các chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Mọi hành vi xâm phạm khi bị phát hiện sẽ được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành”.

“Để đẩy lùi một cách hiệu quả nạn vi phạm bản quyền phần mềm, phải thực thi triệt để tận gốc và các công ty phân phối máy tính là nguồn quan trọng tác động khá lớn tới ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm của người sử dụng. Thực trạng phổ biến của các công ty này là cài đặt sẵn các phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới để bán cho khách hàng. Hành vi này thực chất là khuyến khích người mua máy tính mới sử dùng phần mềm lậu hoặc việc này làm cho nhiều khách hàng không biết là họ đã mua phải máy tính đã có cài đặt sẵn phần mềm vi phạm bản quyền. Đó là những hành vi đáng lên án và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra và có những hình phạt thích đáng cho các doanh nghiệp này trong thời gian tới”, ông Thành cho biết thêm.

Vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã công bố “Chỉ thị về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan”. Hiện mức xử phạt cao nhất với hành vi vi phạm là 500 triệu đồng. Số tiền phạt vi phạm bản quyền trong năm 2008 đã chiếm tới 60 - 70% so với những vi phạm khác trong lĩnh vực văn hóa thông tin.. Trong quý I/2009, Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức tổng kiểm tra việc thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan đối với tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên phạm vi cả nước, đồng thời đề xuất các biện pháp cần thiết để thực thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2009

(Theo: HNM)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất