Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 13/12/2013 21:53'(GMT+7)

2014 là năm sẽ có những giải pháp “quyết liệt”

Thu hoạch lúa ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Thu hoạch lúa ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Năm 2013 bắt đầu với tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Cùng với đó, các khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa được giải quyết, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua giảm, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2013, Chính phủ đã kịp thời ban hành hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó nội dung quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình trạng sản xuất đình đốn.

Thực tiễn hiệu quả của các chính sách, các tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế như thế nào để Chính phủ nắm bắt, từ đó có chính sách điều hành hợp lý, hiệu quả; vì vậy, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCEIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” ngày 12-12 với mong muốn gợi ý một số vấn đề quan trọng cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp. Đồng thời gợi mở những đề xuất, hàm ý chính sách thiết thực cho công tác, quản lý điều hành của Chính phủ trong năm 2014.

Các chính sách đã phát huy tác dụng

Nhìn vào những kết quả đạt được trong năm 2013, đánh giá của NCEIF cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định với GDP tăng dần qua các quý (quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00% và quý III tăng 5,54%) và chín tháng đầu năm 2013 tăng 5,14%. Tốc độ tăng GDP chín tháng đầu năm 2013 mặc dù còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ năm 2010 và mức tăng 5,92% của cùng kỳ năm 2011 nhưng đã cao hơn với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5,39%). Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp được cải thiện, hàng tồn kho giảm, nợ xấu dần được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất.

Đáng chú ý là khu vực sản xuất đã có dấu hiệu hồi phục, sản xuất công nghiệp có những chuyển biến; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi ở mức 7,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 tiếp tục được duy trì ở mức thấp và ổn định qua các tháng, CPI trung bình năm 2013 giảm mạnh so với năm 2012 (tương ứng khoảng 6,4% so với 9%).

Về thu hút đầu tư nước ngoài được đánh giá tăng mạnh, do những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô cộng thêm xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận và dòng đầu tư tăng trưởng mạnh từ Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, đã tạo ra một làn sóng đầu từ mới vào Việt Nam. Mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng tổng vốn đầu tư vẫn tăng khá chậm, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý III/2013 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012. NCEIF cho rằng quy mô vốn thu hẹp làm giảm cơ hội sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng làm tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt cao trong năm 2013 cũng như trong vài năm tới.

Xuất nhập khẩu có cải thiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến tháng 9-2013 kim ngạch xuất khẩu giảm 8,2% và kỳ đầu của tháng 10 giảm 8% so với tháng trước.

Theo đánh giá của NCEIF, lãi suất đã giảm liên tục và hiện ở mức thấp. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đã có mức cải thiện đáng kể từ mức dự trữ trên tám tỷ USD (tương ứng với sáu tuần nhập khẩu) đã tăng đến chín tỷ USD vào cuối năm 2011 và đến cuối năm 2012 đã tăng lên mức khoảng trên 20 tỷ USD, tương ứng 12 tuần nhập khẩu.

Đánh giá cũng cho thấy, tuy lãi suất giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Phía doanh nghiệp không thể tiếp cận được những khoản vay là do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do ngân hàng đặt ra. Trong khi phía ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay.

Đồng thời NCEIF cũng chỉ ra yếu kém nội tại vẫn chưa được giải quyết, những điểm nghẽn lớn của nền kinh tế vẫn tồn tại, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao (đến cuối tháng 8-2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%) cản trở hồi phục của nền kinh tế.

“Chính sách điều hành hợp lý nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, tiến trình cải cách kinh tế chậm trễ gây nguy cơ kinh tế Việt Nam tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới“ - Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF trăn trở.

Đánh giá tổng quan về nền kinh tế năm 2013, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, các dấu hiệu phục hồi kinh tế còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn – Thứ trưởng đề nghị, NCEIF cần phân tích, đánh giá chi tiết tác động và hiệu quả của các giải pháp, chính sách để có kiến nghị cụ thể và xác đáng cho công tác điều hành nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng trong năm 2014.

Năm 2014 là năm “tăng tốc” để phát triển

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành cùng với địa phương đã tích cực ban hành và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong năm 2013, nhưng các giải pháp chưa tạo được chuyển biến rõ nét, do một số chính sách chưa quyết liệt hoặc ban hành chậm so với yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nợ xấu, mở rộng thị trường là những vấn đề dài hạn, không thể giải quyết qua chính sách ngắn hạn được.

Theo đánh giá của WTO, thương mại thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2014 với mức tăng trưởng 4,5% so với mức 2,5% của năm 2013. Điều đó cho chúng ta nhiều cơ hội nếu biết điều chỉnh chính sách phù hợp và kịp thời thì có thể đưa nền kinh tế sớm ổn định và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của NCEIF, các cơ chế, chính sách ban hành trong những năm qua, đặc biệt là năm 2013, đã vượt qua “độ trễ” về thời gian ban hành, tổ chức thực hiện, phản hồi và điều chỉnh, để có thể áp dụng “trơn tru” trong năm 2014.

Năm 2014 cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... NCEIF kiến nghị Chính phủ cần ban hành các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết hàng tồn kho nói chung, trong đó ưu tiên số một là tồn kho bất động sản, nhằm giải tỏa được khoảng 100.000 tỷ đồng còn đang tồn đọng.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các giải pháp đối với hàng hóa sản phẩm có thể là thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng Việt Nam về các vùng nông thôn, ngăn chặn quyết liệt hàng lậu, hàng giả; song song với việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, chú trọng việc giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014.

Có thể nói năm 2014 là năm “tăng tốc” phát triển để đạt các mục tiêu của kế hoạch năm năm 2011-2015. Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng như trước đây. Bên cạnh đó, “cú hích” gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài, cộng thêm đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo chuyển biến cho doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chí Trung/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất