PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho
biết, trong năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết
sức phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, gia tăng
đột biến tại nhiều nước trên thế giới.
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, mặc dù dịch bệnh Ebola xuất hiện trên thế
giới từ năm 1976 nhưng năm nay bùng phát mạnh mẽ nên Tổ chức Y tế thế
giới đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh sởi
ghi nhận ở 175/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cúm A(H7N9) tiếp tục có
số mắc cao và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Dịch MERS-CoV, bại
liệt, dịch hạch, …có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại sau một thời gian
tạm lắng xuống.
Ở Việt Nam, một bệnh dịch lưu hành có nguy cơ bùng phát mạnh nếu
không có biện pháp ngăn chặn kịp thời như sốt xuất huyết, tay chân
miệng... Nguyên nhân là do sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, vấn đề
ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đô thị
hóa, biến đổi khí hậu… đặc biệt sự giao lưu đi lại của người dân ngày
càng rộng rãi tạo điều kiện cho dịch bệnh nhanh chóng lan truyền từ vùng
này sang vùng khác.
Tuy vậy, trong năm vừa qua, Việt Nam cũng đã ghi nhận sự gia tăng về
số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn
dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương
có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp không đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% ở
quy mô xã, phương tạo vùng "lõm" về tiêm chủng tại các khu vực vùng sâu,
vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; còn xảy ra tình trạng lây chéo
tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm
lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Một số dịch bệnh vẫn
ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương do điều kiện vệ sinh
cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập cũng
như việc di biến động dân cư tại một số thành phố lớn, các khu công
nghiệp.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho
biết, ngày càng có nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm. Do đó, công tác phòng
chống dịch cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh có từ bên ngoài có thể xâm nhập vào
nước ta bất kỳ lúc nào. Hiện nay dịch bệnh từ các quốc gia xa xôi nhất
có thể theo người nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vào Việt Nam trong
vòng 24 giờ.
Trong nước cũng vậy, dịch có thể xâm nhập từ miền Nam ra miền Bắc
cũng như ngược lại chỉ vòng vài tiếng đồng hồ. Việc giám sát chặt chẽ
dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời, phát hiện ca bệnh đầu tiên tiến
hành điều tra, khoanh vùng và xử lý ngay để dịch không lan ra diện rộng
trên cơ sở có hệ thống giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống
dịch có đầy đủ năng lực.
Nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm đe dọa người Việt
Theo PGS TS Trần Đắc Phu, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó
lường; các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm cũng có thể xảy ra.
Dịch bệnh Ebola ở châu Phi chưa khống chế được; dịch cúm trên gia cầm và
trên người đang bùng phát ở nhiều nơi. Tổ chức Y tế thế giới cũng đang
cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ đã lưu hành như lao,
sốt rét, HIV, nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại
rộng mở giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu, ….
Thêm vào đó, do vấn đề đô thị hóa, gia tăng dân số, vệ sinh, ô nhiễm
môi trường, an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập, bên cạnh đó vẫn còn
nhiều tập quán lạc hậu nên một số dịch bệnh lưu hành trong nước cũng có
thể gia tăng và bùng phát như bệnh cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất
huyết, viêm não vi rút, dại…, đặc biệt là những khu vực có sự biến động
dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số.
Biện pháp phòng chống dịch bệnh
Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch trong năm 2015, Bộ Y tế đã
chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình
huống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm
và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phối hợp chặt
chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp
thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp
phòng bệnh; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống
dịch chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, ứng dụng
khoa học tiên tiến trong phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực
hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các đơn vị, địa phương. Chúng ta cần
phải ứng phó kịp thời, khoa học và hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm,
quyết tâm và quyết liệt. Chúng ta phải liên tục đặt trong trạng thái sẵn
sàng, chủ động phòng chống dịch.
Một yếu tố quan trọng thành công trong công tác phòng chống dịch,
bệnh phụ thuộc ý thức, trách nhiệm của người dân, hãy coi phòng chống
dịch bệnh là một phần trách nhiệm của mình.
Mỗi bệnh dịch có một đặc điểm riêng, áp dụng các biện pháp phòng
chống dịch một cách phù hợp mới mang lại hiệu quả được. Bệnh nào là sử
dụng vắc xin, bệnh nào diệt véc tơ (muỗi, bọ chét…), bệnh nào thực hiện
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…việc phòng chống phải dựa trên sự tham
gia mạnh mẽ của chính quyền các cấp và huy động cả cộng đồng. Về lâu
dài là phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi
trường, an toàn thực phẩm, nâng cao các ý thức, giáo dục người dân thay
đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu đảm bảo
phòng bệnh chủ động. Khi có dịch xảy ra cả cộng đồng phải chung tay
phòng chống dịch. Đồng thời Nhà nước có chính sách để hệ thống y tế nói
chung và y tế dự phòng nói riêng có đủ năng lực để tham mưu và triển
khai tốt các hoạt động phòng chống dịch/.
(Theo: VnMedia)