Năm 2017 dư luận và cử tri cả
nước đánh giá cao các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt
sĩ do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, bộ,
ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức. Xin Bộ trưởng
chia sẻ thêm về những hoạt động này, đặc biệt việc tập trung rà soát,
giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng?
-
Năm 2017, là năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 70 năm ngày
Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) - ngày được Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã chọn là ngày “hiếu nghĩa bác ái”, “đền ơn đáp nghĩa” đối với
những người và gia đình có cống hiến, đóng góp, hy sinh cho hòa bình,
độc lập, tự do của Tổ quốc. Một loạt các hoạt động tiêu biểu, thiết
thực kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức như: thăm
hỏi, tặng quà, xây dựng nhà cho người có công, tôn tạo nghĩa trang,
tượng đài liệt sĩ, trao bằng Tổ Quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ; Hội
nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; Cầu
truyền hình Dáng đứng Việt Nam; Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương
binh - Liệt sĩ..vv...
Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm
“không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi
của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, day dứt trước tình trạng
một bộ phận người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng
chính sách ưu đãi, hồ sơ tồn đọng còn nhiều, trên cơ sở kết quả triển
khai thí điểm năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy
ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận số 607/TB-TTKQH ngày 08/5/2017
và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017,
chỉ đạo tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh,
người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương
theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý
nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Quá trình triển khai thực hiện việc xác nhận hồ sơ người có công còn
tồn đọng tại các địa phương đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các
tầng lớp quần chúng nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị cùng vào cuộc, với một quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin
mãnh liệt nhằm thực hiện mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước.
Tính đến ngày 26/12/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình
Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ Quốc ghi công; các
địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2500 thương binh,
người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt Bộ đã chủ trì thẩm
định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp bằng Tổ Quốc ghi công
đối với với 1250 liệt sĩ, trong đó phần lớn là các liệt sĩ đã hy sinh
từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có trường hợp đã hy sinh 86 năm.
Hai trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Lao động - Thương binh và Xã
hội năm 2017 được bình chọn là “ Năm đền ơn đáp nghĩa” và “Giải quyết
hàng nghìn hồ sơ người có công còn tồn đọng”. Các hoạt động đền ơn đáp
nghĩa đặc biệt là việc giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh nhận
được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ và tin tưởng
của cử tri trong cả nước đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã
hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng,
điều dưỡng người có công số 2 (Hà Nội) dịp 27/7, đã phát biểu:
“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các cấp,
các ngành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh
- liệt sĩ đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có
công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng đến
từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình”…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện gia đình liệt sĩ
Kết
quả giải quyết hồ sơ tồn đọng đã làm người dân thêm tin vào ngành Lao
động - Thương binh và Xã hội, điều này có làm tăng thêm áp lực lên việc
xử lý số hồ sơ còn tồn đọng không, thưa Bộ trưởng?
-Kết quả việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với
cách mạng trong thời gian qua đã được nhân dân và cử tri cả nước tin
tưởng và ủng hộ quyết tâm và cách làm của ngành Lao động - Thương binh
và Xã hội. Giải quyết hồ sơ tồn đọng rất khó khăn, vì hầu hết các
trường hợp không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và
biết sự việc không còn…. có trường hợp để giải quyết được phải đi xác
minh ở 3 quân khu và một số địa phương. Tiếp nối những kết quả đã đạt
được, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp
tục triển khai quyết liệt hơn, với tinh thần trách nhiệm cao, cùng cách
làm đột phá, sáng tạo gắn trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính
quyền, đoàn thể và nhân dân để thẩm định, xem xét hoàn thành nhiệm vụ
xác nhận hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh trước Đảng, Nhà nước, đáp
ứng lòng mong mỏi của đồng bào, đồng chí trong cả nước.
Cụ thể, tập trung thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục sự tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác người có công với cách mạng: “Phấn đấu đến năm
2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách
mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết
đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ
sở”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thức sâu sắc ý kiến chỉ đạo
của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Ưu đãi người có công với
cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu
sắc của Nhà nước và toàn xã hội… Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và
mai sau ghi lòng tạc dạ, mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng
góp, hi sinh, vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của đảng, của dân tộc.
Chúng ta xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất trong sự
nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
Quốc rằng: Tổ Quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người
Việt Nam đã ngã xuống, sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện
pháp, giải pháp để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với
người có công và thân nhân của họ”
Tại
phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4/2017, Bộ
trưởng có chia sẻ rằng, điều ông quan tâm nhất là làm thế nào để tạo
chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đến nay vấn đề
này đã được giải quyết ra sao?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4/2017
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân
lực chất lượng cao luôn là đòi hỏi của mỗi quốc gia, của mỗi nền kinh
tế. Đây cũng chính là mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với
giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Giải pháp
chiến lược tổng thể đã được chỉ rõ trong Đề án “Đổi mới và nâng cao
chất lượng giáo dục nghề nghiệp(GDNN) đến năm 2020 và định hướng đến
2030” trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Đề án đã xác định 8 nhóm
giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: (1) Trao quyền tự chủ
đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh
giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; (2) Chuẩn
hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; (3) Gắn kết GDNN với thị trường
lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Ngay khi được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN, bản
thân tôi và Lãnh đạo Bộ đã đặt ra nhiệm vụ phải nỗ lực tạo được sự
chuyển biến tích cực, thực sự về chất lượng GDNN. Tuy nhiên, chúng ta
cũng cần xác định rõ, vấn đề này không thể giải quyết một sớm, một
chiều, mà nó cần có thời gian, cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ
thống chính trị, của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế và của
toàn xã hội.
Trong năm 2017, năm đầu tiên thực hiện quản lý nhà nước về GDNN, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống
văn bản quản quy phạm pháp luật về GDNN. Đến nay về cơ bản được ban
hành tương đối đầy đủ, bao phủ hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực
GDNN, bảo đảm hệ thống GDNN vận hành tốt theo đúng quy định của pháp
luật, đến nay đã trình ban hành và trực tiếp ban hành 42 văn bản hướng
dẫn thi hành Luật GDNN, cắt giảm 31 thủ tục hành chính, bảo đảm việc
đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực GDNN thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi
phí và thời gian thực hiện.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng năng lực thực hiện;
việc tổ chức đào tạo cũng được nhiều cơ sở GDNN áp dụng theo phương
thức đào tạo mới (đào tạo theo mô đun, tín chỉ), lấy người học làm
trung tâm; chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho
22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ CHLB Đức; đã và đang tiến hành đào
tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc.
Việc gắn kết với doanh nghiệp đã được chú trọng, nhiều cơ sở GDNN đã
tìm ra những hình thức hợp tác với doanh nghiệp hiệu quả; các doanh
nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã tham gia trong việc xây dựng chương
trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo; đã xây dựng được cơ chế phối
hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương
trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với VCCI.
Nhìn lại năm 2017, có thể khẳng định chất lượng GDNN bước đầu đã có
chuyển biến tích cực, từng bước được cải thiện, một số lĩnh vực đã tiếp
cận với trình độ của khu vực và thế giới. Chất lượng, kỹ năng của nguồn
nhân lực qua GDNN đã dần từng bước bắt kịp với thị trường lao động và
tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận
được các vị trí, công việc phức tạp. Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm
hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề
đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
…
Trong
bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập sâu rộng của khu
vực, quốc tế, đòi hỏi phải có một lực lượng lao động chất lượng cao để
thích ứng, Bộ trưởng sẽ có những hành động cụ thể nào đáp ứng thay đổi
này?
-Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ 3 đột phá chiến lược trong
đó nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chính phủ đã có Nghị
quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đây
chính là những định hướng, những giải pháp chỉ ra không chỉ với Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, mà là cho các Bộ, ngành, các doanh
nghiệp, các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển hội nhập cùng
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tôi cho rằng, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Tuy nhiên, biết lựa
chọn hướng đi đúng với những bước đột phá sẽ cho ta thành công. Năm
2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là năm đột phá trong
GNNN, với mục tiêu tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng
và hiệu quả GDNN đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và
doanh nghiệp, đặc biệt là ở những ngành có nhu cầu lao động lớn, đòi
hỏi kỹ thuật, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể nhóm giải pháp sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Để thực hiện mục tiêu trên thì cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả
nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ
giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp
tục đổi mới hoàn thiện cơ chế, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN theo
hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm;
giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào các hoạt động đào
tạo và quản trị nhà trường; chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản
lý GDNN ở các cấp, nhất là ở cấp địa phương; ứng dụng mạnh mẽ CNTT
trong quản lý GDNN; hiện đại hóa hạ tầng CNTT từ trung ương tới địa
phương phục vụ công tác quản lý và điều hành lĩnh vực GDNN.Triển khai
các hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu
ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của
khoa học, công nghệ, trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần
thứ 4.
Thứ hai, tập
trung xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến
khích các cơ sở GDNN xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên
môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị
dạy học thuật và các phần mềm mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong
dạy học cho các cơ sở GDNN. Chương trình đào tạo phải được thiết kế
linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên
thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề; phương pháp
đào tạo cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung
tâm và sự ứng dụng CNTT trong dạy học; đổi mới căn bản hình thức và
phương pháp thi, kiểm tra trong GDNN theo hướng đáp ứng năng lực thực
hiện và tính sáng tạo của người học.
Thứ ba,để
đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo GDNN
phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có
những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào
tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ
năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học và những kỹ năng mềm
cần thiết khác. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sư
phạm, kỹ năng nghề, kỹ năng công nghệ cho đội ngũ giáo viên GDNN ở nước
ngoài và các chương trình tiên tiến ở trong nước.
Thứ tư, đẩy
mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong
doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của
doanh nghiệp.Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp,
trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp
thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN;
có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tay nghề khu
vực, thế giới thông qua việc bồi dưỡng tay nghề cho người học tham gia
các cuộc thi.
Thứ năm, đẩy
mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phương tiện dạy học
và ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý đào tạo.Chú trọng các nghiên
cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người - máy. Hình thành mạng lưới
nghiên cứu khoa học GDNN giữa các viện, trường trong nước với các viện,
trường nước ngoài ở các nước tiên tiến như CHLB Đức, Hàn Quốc và các
nước trong ASEAN và châu Á./.
Theo Molisa.gov.vn