Thứ Ba, 17/12/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 6/9/2013 16:26'(GMT+7)

21 người chết do mưa lũ và sạt lở đất tại miền Bắc

Tính đến sáng 6/9, đã có 21 người chết do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra từ ngày 3 - 5/9 tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Tuyên Quang. Trong đó Lai Châu 3 người, Lào Cai 9 người, Điện Biên 2 người, Lạng Sơn 2 người, Hà Giang 1 người, Thái Nguyên 3 người, Sơn La 1 người. Ngoài ra, tại Lào Cai có 2 người mất tích; các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang có 16 người bị thương .

Mưa lũ cũng làm 37 nhà sập đổ, cuốn trôi hơn 1.700ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều kênh mương, đê kè, cống bị hư hỏng; một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời thuộc các huyện Tuần Giáo (Điện Biên); Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên); Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu); Bắc Yên (Sơn La).

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan huy động lực lượng tại chỗ cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị chết, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1428/CĐ-TTg ngày 5/9/2013 gửi các tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ, ngành chỉ đạo công tác triển khai đối phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp đối phó.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương, cũng trong thời gian này, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã xảy ra giông lốc kèm sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản.

Tại tỉnh Đồng Nai, chiều 5/9, trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) xuất hiện giông lốc kèm theo sấm sét đã làm ông Lê Minh Thanh (46 tuổi) bị sét đánh trúng gây tử vong. Trước đó, ngày 3 và 4/9, tại một số huyện như Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) liên tục xuất hiện giông, lốc gây thiệt hại về hoa màu, cây ăn trái và nhà một số hộ dân bị tốc mái.

Trong hai ngày 3 và 4/9, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa cục bộ. Cơn mưa lớn kèm theo sấm sét, giông lốc làm sập và tốc mái 27 nhà dân, nhà tập thể giáo viên và tốc mái 13 phòng học, phòng chức năng ở 6 điểm trường thuộc thành phố Vị Thanh. Mưa giông còn làm nhiều cây xanh, panô, ápphích, lúa, hoa màu đổ ngã, ngập nước, ước tính tổng thiệt hại ban đầu hơn 2,2 tỷ đồng.

Ông Lê Phước Đại, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, để khắc phục nhanh, kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra, với các trường bị thiệt hại nặng, tỉnh cho ngành giáo dục ứng trước kinh phí sửa chữa khẩn cấp, đảm bảo điều kiện giảng dạy ngay ngày đầu tựu trường. Đối với nhà dân bị thiệt hại, thành phố Vị Thanh đã huy động các đoàn thể, lực lượng thanh niên cùng các phường, xã phối hợp với các hộ dân sửa chữa lại nhà ở. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang hỗ trợ khẩn cấp 40 triệu đồng cho 27 hộ dân, giáo viên có nhà sập, tốc mái.

Chiều 4/9, một cơn mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm gãy, đổ nhiều cây xanh và ngập cục bộ nhiều phường ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo thống kê thiệt hại ban đầu của Ủy ban nhân dân các phường Phú Cường, Phú Lợi, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm hàng chục hộ trên địa bàn phường bị ảnh hưởng, gây mất điện trên diện rộng, đến 18 gờ mới có lại. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ủy ban nhân dân các phường Phú Cường, Phú Lợi đã tổ chức lực lượng đến cứu hộ, di dời tài sản của người dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Ngay sau đó, lực lượng phòng chống lụt bão của phường cũng đã tiến hành giải phóng hiện trường, thu dọn các khu vực cây xanh bị gãy đổ, đồng thời tiến hành thống kê thiệt hại của các hộ dân để có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả./.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất