Thứ Ba, 15/10/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 11/7/2019 14:2'(GMT+7)

25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển

Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Lễ mít tinh (ảnh BTC)

Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Lễ mít tinh (ảnh BTC)

Tới dự Lễ mít tinh có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Cùng dự còn có đại diện các bộ ngành, các cơ quan chính phủ, đại diện các Đại sứ quán, đại diện cho các cơ quan tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cho các tổ chức thanh niên, đại diện khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các cơ quan truyền thông và các đồng nghiệp Liên hợp quốc.

Ngày 11/7 hàng năm được chọn làm Ngày Dân số Thế giới trên phạm vi toàn cầu. Lễ kỷ niệm ngày Dân số Thế giới mỗi năm sẽ tập trung vào một chủ đề dân số cấp bách nhất của thời đại trong giai đoạn đó. Năm nay, kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2019 với chủ đề: "25 năm sau ngày tổ chức Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển: Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu đã cam kết”.

Theo đó, năm 2019 là một năm bản lề và đầy sôi động đối với Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cơ quan chuyên trách các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của Liên hợp quốc. Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm Chương trình hành động ICPD tròn 25 tuổi - đây chính là kim chỉ nam cho những hoạt động mà UNFPA đã và đang tổ chức thực hiện.

ICPD được tổ chức năm 1994 đã đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá. Tại Hội nghị quốc tế này, 179 quốc gia đã thông qua một Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực Dân số và Phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm, thực hiện trao quyền cho phụ nữ và cho phép mọi người dân được tự do quyết định thời điểm và khoảng cách giữa các lần sinh một cách phù hợp với hoàn cảnh của chính mình - đây là cơ sở để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Là một nước thành viên của Liên hợp quốc tham gia hội nghị, Việt Nam không chỉ tích cực tham gia các hoạt động, xây dựng và thông qua chương trình hành động hội nghị mà còn tích cực thực hiện và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, chương trình hành động của Hội nghị về Dân số và Phát triển.

Với sự quan tâm của các cấp Ủy Đảng và Chính quyền cả về lãnh đạo - chỉ đạo, đầu tư nguồn lực và tăng cường tổ chức bộ máy, sự nỗ lực và phối hợp hành động của các cấp, các ngành cùng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ trung ương đến địa phương, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã sớm đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong chương trình hành động của hội nghị Dân số và Phát triển 1994.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và nhà nước Việt Nam; sự phối hợp và hỗ trợ của UNFPA, các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước, công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7%/năm giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 4,7% lên 7,6%.

Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017. Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi bước đầu phát triển.”

Tuy nhiên, hiện chúng ta còn rất nhiều thách thức cần vượt qua như: Tốc độ gia tăng quy mô dân số quá nhanh đã được khống chế, song mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực và đã xuất hiện tình trạng mức sinh giảm quá mức ở một số khu vực; Tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới trong tương lai; Những lợi thế của cơ cấu dân số vàng mang lại chưa được khai thác tốt; Già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng nhanh nhưng chưa có chiến lược thích ứng; phân bổ dân số chưa hợp lý, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu; Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế v.v…

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với công tác dân số trong những mối quan hệ hữu cơ với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII đã có Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra hệ thống các quan điểm, mục tiêu và giải pháp có tính bước ngoặt trong chính sách dân số nước ta cho giai đoạn tới, hướng đến “Duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, khai thác tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số”.

Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, mức sinh của nước ta trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Năm 2016, Việt Nam đạt mức sinh thay thế khi bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu và được duy trì cho đến nay.

Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh cũng được khống chế thành công; cơ cấu dân số có những chuyển biến tích cực, tạo cơ hội cho phát triển nhanh kinh tế - xã hội. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ rệt; tuổi thọ bình quân tăng nhanh và đạt 73,5 tuổi; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình trong các nước trên thế giới.

Theo đồng chí Uông Chu Lưu, Việt Nam đã sớm đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và Phát triển 1994. Những thành tựu này góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ Chính phủ nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. Nhưng chúng ta không thể thực hiện được công việc này một cách đơn độc. Các Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự cần phải cùng chung tay góp sức để biến điều này thành hiện thực. Bằng việc cùng chung tay góp sức và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và khối xã hội dân sự trên toàn quốc cũng như trên phạm vi toàn cầu, chúng ta sẽ tạo dựng được một tương lai mà trong đó KHÔNG có tử vong mẹ, KHÔNG có nhu cầu chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình, KHÔNG có bạo lực và các hành vi gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Tháng 11/2019, trong khuôn khổ của Hội nghị thượng đỉnh Nairobi do Chính phủ Kenya và Đan mạch đồng tài trợ với sự tham gia của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan/đơn vị khác có quan tâm tới vấn đề Dân số và Phát triển sau 25 năm tổ chức ICPD, Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi các cơ quan và tổ chức tham gia cam kết một cách mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành những công việc còn đang thực hiện dang dở (đây là những mục tiêu mà chương trình nghị sự của ICPD đã đề ra), đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đạt được các mục tiêu  về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và trong quá trình đảm bảo việc thực hiện quyền cho tất cả mọi người.

Tại Lễ mít tinh, trên cơ sở nhận thức thống nhất về vị trí đặc biệt quan trọng của từng quốc gia và toàn thế giới, 179 quốc gia tham gia đã đạt được sự đồng thuận thông qua chương trình hành động chung về dân số nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững cho khoảng thời gian từ đó đến nay. Trong chương trình hành động này đã đề ra các mục tiêu về dân số, sức khỏe sinh sản, định hướng hệ thống các hành động hướng đến mục tiêu; đồng thời yêu cầu lồng ghép chặt chẽ và đầy đủ các yếu tố dân số vào các chiến lược, kế hoạch phát triển của mỗi quốc gia./.

Kể từ năm 1994 tới nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên toàn cầu: Tai thời điểm năm 1994, chỉ khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; đến nay, tỷ lệ này là 37%. 25 năm trước, tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi mang thai hoặc khi sinh tại các nước kém phát triển nhất là xấp xỉ 8/1.000 phụ nữ; đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống một nửa. 25 năm trước, số con trung bình của một phụ nữ tại các quốc gia kém phát triển nhất là 6 con/phụ nữ.; đến nay, một phụ nữ tại các quốc gia này chỉ có tối đa là 4 con.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 66,3% vào năm 2018.

Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2.09 vào năm 2006.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất