Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, sáng sớm 18-8, sau khi cơn bão số 5 đi sâu vào đất liền các tỉnh Ðông Bắc, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão số 5, ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tính đến 1 giờ sáng 18-8, tổng lượng mưa đo được phổ biến trong khoảng từ 70 đến 100 mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 185 mm; Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) 187 mm; Ðại Từ (Thái Nguyên) 127 mm; Sơn Tây (Hà Nội) 159 mm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Ðồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) sáng 18-8 còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc Bộ, có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 19 giờ ngày 18-8, bão số 5 đã làm 28 người chết, mất tích và bị thương, trong đó có 10 người chết (Yên Bái: ba người, Sơn La: hai người, Bắc Giang: hai người, Bắc Ninh: một người, Hà Nội: một người, Vĩnh Phúc: một người); ba người mất tích (Vĩnh Phúc: một người, Hà Nội: một người, Yên Bái: một người) và chín người bị thương (Yên Bái: sáu người, Hà Nội: hai người, Vĩnh Phúc: một người).
Bão số 5 cũng làm sập 139 ngôi nhà (Yên Bái: 129 ngôi nhà, Hà Giang: năm ngôi nhà, Thái Nguyên: ba ngôi nhà, Lào Cai: một ngôi nhà, Quảng Ninh: một ngôi nhà); hư hỏng và tốc mái hơn 5.000 ngôi nhà (Yên Bái: 5.631 ngôi nhà, Thái Nguyên: 79 ngôi nhà, Hà Giang: 52 ngôi nhà, Bắc Cạn: 23 ngôi nhà, Quảng Ninh: 21 ngôi nhà, Lào Cai: 14 ngôi nhà, Hà Nội: 10 ngôi nhà, Phú Thọ: 10 ngôi nhà, Hải Phòng: một trạm thu phát truyền hình); chìm một phương tiện (Quảng Ninh); hỏng hai phương tiện (Quảng Ninh); ngập úng, hư hỏng gần 1.500 ha lúa và hoa màu...
Cơn bão số 5 gây gió giật, mưa lớn, làm tắc nhiều đoạn đường từ thành phố Sơn La về các huyện Phù Yên, Sông Mã, Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ðường về huyện Mường La còn bị lở ta-luy, đá rơi gây nguy hiểm. Nước suối Pàn thuộc địa phận huyện Mai Sơn lên cao gần bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1971. Nhiều đoạn đường trên quốc lộ 6 bị nước tràn qua, cảnh sát giao thông và các lực lượng phải có mặt để điều tiết cảnh báo nguy hiểm đối với các phương tiện. Bão cũng làm chết hai người ở bản Hẹo, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La do điện giật.
Tại Bắc Giang, cơn bão số 5 tràn qua địa bàn tỉnh đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ðến sáng 18-8, tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) đã xảy ra sạt lở núi gây đổ nhà của gia đình bà Giáp Thị Khan, 46 tuổi, làm bà Khan thiệt mạng và ba người khác trong gia đình bị thương. Cũng tại huyện Lục Ngạn, mưa bão đã làm tốc mái tôn bốn phòng học của Trường THCS xã Biên Sơn. Mưa lũ làm ngập gần 1.000 ha lúa đang gieo trồng ở các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang; gây ra sự cố sạt lở với chiều dài hơn 20 m, cách chân đê khoảng 4 - 5 m tại khu vực K2+570 - K2+750 đê tả Thương thuộc xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm đến sáng 18-8, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được khoảng hơn 100 mm. Mưa to kèm theo giông lốc đã làm hơn 20 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, năm ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 100 ha lúa bị úng ngập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm hàng chục héc-ta hoa màu bị thiệt hại, ba cây cột điện hạ thế bị gãy đổ. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, huyện đã kiểm tra hiện trường, huy động các đoàn thể giúp nhân dân khắc phục thiệt hại.
Sáng 18-8, lũ trên thượng nguồn đổ về sông Phó Ðáy tỉnh Vĩnh Phúc, mực nước đã lên mức trên báo động 3. Nước lớn làm ngập toàn bộ diện tích hoa màu ven sông và ngập nhiều diện tích lúa tại các huyện Lập Thạch, Tam Ðảo, Vĩnh Tường, Vĩnh Lạc... Nước lũ còn làm ngập nhiều đoạn trên quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên đi Tân Trào, Tuyên Quang, đặc biệt đoạn qua huyện Lập Thạch ngập sâu, các phương tiện không đi qua được. Hiện lực lượng chức năng đã bố trí chốt chặn hai đầu để hướng dẫn xe quay đầu đề phòng nguy hiểm. Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh Vĩnh Phúc đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Lập Thạch, Tam Ðảo để đốc thúc công tác chuẩn bị sơ tán dân, đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn xảy ra mưa vừa kèm theo gió lốc làm 69 nhà dân, bốn phòng học bị tốc mái. Với phương châm "bốn tại chỗ", ngay trong sáng 18-8, bốn phòng học và phần lớn nhà dân bị tốc mái đã cơ bản được khắc phục xong, ba hộ bị sạt lở được sơ tán đến nơi an toàn. Ðề phòng mưa lớn, tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường theo dõi, nắm tình hình vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Nhằm bảo đảm thông tin liên lạc không bị gián đoạn, Công ty viễn thông Lai Châu đã tập trung kiểm tra các trạm phát sóng, di dời các trạm BTS ra khỏi các khu vực sạt lở; tăng cường kiểm soát các tuyến cáp, tuyến cột treo cáp tại các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét. Ðồng thời bố trí nhân lực ứng trực 24/24 giờ tại các huyện khó khăn như Mường Tè và Sìn Hồ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB các cấp.
Do ảnh hưởng của bão số 5, đến 16 giờ ngày 18-8, hầu hết các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đều có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 58 đến 120 mm, riêng Khu du lịch Mẫu Sơn (Lộc Bình) lượng mưa hơn 166 mm. Sông Kỳ Cùng báo động cấp I. Tại các địa phương: TP Lạng Sơn, huyện: Chi Lăng, Ðình Lập và Văn Quan có 10 nhà bị tốc mái; một nhà đổ sập, hai con trâu chết bị sét đánh; hơn 3.000 m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở... Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực 24/24 giờ xử lý mặt đường bị xói lở, lún sâu, làm rào chắn cọc tiêu tạm thời, bảo đảm giao thông thông suốt.
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, toàn tỉnh có mưa to đến rất to, kèm theo gió lốc gây thiệt hại nặng tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn... Mưa bão làm bốn người bị thương nhẹ, 64 ngôi nhà ở bị sập đổ hoàn toàn và 1.335 nhà bị hư hại; trong đó huyện Lục Yên bị sập 40 nhà và chừng 200 nhà bị tốc mái; huyện Văn Yên bị sập 25 nhà và 465 nhà bị tốc mái; huyện Văn Chấn sập một nhà và 690 nhà bị tốc mái. Mưa bão còn làm đổ hàng chục cột điện, hàng trăm cây cối ven đường và thiệt hại nhiều hoa màu khác. Ước tính thiệt hại lên đến sáu tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố Hải Phòng cho biết, nhờ làm tốt công tác phòng, chống, nhất là việc gọi, đưa tàu, thuyền, bè nuôi hải sản vào nơi tránh trú an toàn, cho nên bão số 5 hầu như không gây thiệt hại nhiều đến khu vực Hải Phòng. Tuy nhiên, bão đã khiến nhiều cây xanh trong khu vực dải công viên trung tâm thành phố bị đổ, gãy; cột ăng-ten phát sóng truyền hình trên đảo Bạch Long Vĩ bị hư hại.
Tại tỉnh Quảng Ninh, đêm 17-8, bão số 5 đã đi vào khu vực miền Ðông của tỉnh gây ra gió cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, mưa to đến rất to trên diện rộng. Tính đến sáng 18-8, bão số 5 đã gây ra nhiều thiệt hại tài sản cho người dân trong tỉnh nhưng không có thiệt hại về người. Bão lớn kèm theo mưa làm khu thượng nguồn đập sông Sinh Uông Bí bị ngập cục bộ sâu khoảng một mét. Ngay sau khi bão tan, các địa phương đã tập trung khắc phục hậu quả, dọn dẹp cây xanh, vệ sinh đường phố bảo đảm giao thông hoạt động bình thường. Ðiện lưới được khắc phục sự cố và đóng điện kịp thời.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên đia bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra mưa to, gây ra lũ lớn làm thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu của người dân. Nặng nhất là huyện Hàm Yên, với 32 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, ba cột điện bị gãy đổ, một nhà văn hóa thôn và một phòng học bị sập đổ. Ngoài ra, mưa to, gió lớn còn làm hàng chục ha lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ngập úng; 25 hộ dân sống ở ven suối xã Kháng Nhật và Sơn Nam (huyện Sơn Dương) phải sơ tán khẩn cấp, do có nguy cơ bị sạt lở, nước cuốn trôi...
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, trên địa bàn đã có mưa vừa, mưa to liên tục gây ngập một số tuyến đường nội thị TP Ninh Bình. Công ty TNHH một thành viên môi trường và dịch vụ đô thị thành phố đã bố trí người và phương tiện thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, nhanh chóng tạo sự thông thoáng cho những điểm ngập úng. Hiện tại, Công ty kỹ thuật công trình thủy lợi Ninh Bình đang vận hành hết công suất 70 máy tại 35 trạm bơm, mở 52 trong số 162 cống nhằm tiêu thoát hết nước còn tồn đọng, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của bão số 5, tại Lào Cai, từ đêm 17-8 đến chiều 18-8 xảy ra mưa to ở nhiều nơi trong tỉnh, lớn nhất tại Sa Pa là 129 mm. Mưa lớn, kéo dài nhiều giờ liên tục đã gây lũ quét, làm chết chị Giàng Thị Dở, 15 tuổi, dân tộc Mông, ở xã Hầu Thào ( Sa Pa - Lào Cai), khi đang trên đường qua suối để về nhà. Mưa kéo dài gây sạt lở ba điểm trên tuyến quốc lộ 4D nối TP Lào Cai đi Sa Pa và Lai Châu. Nước lũ trên các sông, suối lên cao từ 2 đến 3,5 mét đã làm ngập các ngầm tràn trên các tuyến đường tỉnh lộ, không đi lại được. Nặng nhất là tuyến tỉnh lộ 151, nối trung tâm tỉnh lỵ với huyện Văn Bàn; lũ làm ngập sâu ngầm Võ Lao, Văn Sơn làm ách tắc giao thông tại đây. Tại huyện Bảo Yên, gió lốc mạnh làm sập đổ và hư hỏng 12 ngôi nhà của người dân ở hai thôn Sài 1 và Sài 2, xã Lương Sơn.
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lốc trong hai ngày 17, 18-8 đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân các huyện Quang Bình, Bắc Quang và Ðồng Văn. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đã có hai nhà dân ở huyện Bắc Quang, Quang Bình bị sập, 11 ngôi nhà tại huyện Ðồng Văn, Quang Bình, Bắc Quang bị tốc mái. Mưa lốc cũng làm gãy đổ nhiều cây xanh ở TP Hà Giang, huyện Ðồng Văn và gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên tuyến đường từ Yên Minh đi Ðồng Văn. Sau khi nhận tin mưa lốc gây thiệt hại cho người dân, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi những hộ dân bị thiên tai, đồng thời cùng nhân dân khắc phục, sửa sang lại nhà cửa.
Quảng Nam diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển
Tại khu vực cửa biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa phối hợp với UBND thành phố Hội An tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2012. Tham gia diễn tập có lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an TP Hội An, Hội Chữ thập đỏ, y tế, ngư dân và dân quân phường Cửa Đại... Cuộc diễn tập nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa tai nạn, thiên tai trên biển cho nhân dân; giúp các lực lượng chức năng rút ra bài học kinh nghiệm thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. |
Theo Nhân Dân