Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành QÐ số 521/QÐ-TTg, lấy ngày 19-8 hằng năm là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (ANTQ).
Ðây là sự thể hiện quan điểm nhất quán của Ðảng trong việc xác định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng có tính chất quyết định mọi thắng lợi đối với cách mạng của nhân dân, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) của đất nước. Ngày 1-12-2011 Ban Bí thư T.Ư Ðảng ra Chỉ thị số 09/CT-T.Ư về: "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới"; với vai trò tham mưu, hướng dẫn, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản và ngày 23-4-2012 là Hướng dẫn số 04/HD-BCA-V28 để các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thực hiện "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ".
Qua thống kê của 51/63 địa phương đã tổ chức hàng triệu cuộc vận động tập trung, với hàng trăm triệu lượt người tham gia. Ở các địa bàn trọng điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tập trung tôn giáo, đã tuyên truyền, vận động nhân dân không để kẻ địch lợi dụng, nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các hoạt động thành lập "Vương quốc Mông", và các hoạt động tôn giáo trái phép khác. Việc thực hiện "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" được gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Xây dựng và chỉnh đốn Ðảng"; "Ðền ơn, đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo"; vận động những người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc tôn giáo tham gia công tác an ninh trật tự (ANTT); đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: "Chi hội cựu chiến binh gương mẫu", "Thanh, thiếu niên nói không với tội phạm và ma túy", "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"; "Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội"... Ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi tập trung đồng bào theo các tôn giáo như: Ninh Bình, Nam Ðịnh, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Ðồng Nai... lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp MTTQ cùng các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban Tôn giáo - Dân tộc thông qua các vị chức sắc trong các dân tộc, tôn giáo, các già làng, trưởng bản, tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong rao giảng giáo lý để nâng cao nhận thức cho đồng bào.
Hiện tại cả nước có hơn 700 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động trong phong trào phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữ gìn ANTT; quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục triệu nguồn tin có liên quan công tác bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH, trong đó có 60% đến 70% số tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, nhất là các vụ án lớn, các vụ án tham nhũng, các vụ án về ma túy, mua bán phụ nữ trẻ em, v.v. Ðã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí, không sợ gian khổ, hy sinh trong tiến công truy bắt tội phạm; quên mình vì sự bình yên của nhân dân; tâm lý người ngay sợ kẻ gian từng bước bị đẩy lùi; đó là những công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, người cao tuổi ở mọi miền Tổ quốc đã tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng công an tổ chức phòng ngừa, đấu tranh triệt phá, tiến công truy bắt tội phạm giữ gìn ANTT trên quê hương mình. Tiêu biểu là những tấm gương như ông Ðinh Ðình Phú, cán bộ hưu trí phường Ngọc Sơn, quận Ðồ Sơn, TP Hải Phòng kiên quyết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực vi phạm đất đai ở Ðồ Sơn; bà Nguyễn Thị Loan giáo viên Trường trung học cơ sở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình dũng cảm truy bắt trộm, cướp; ông Hồ Ðắc Hải, tổ trưởng tổ an ninh xã hội thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) không sợ nguy hiểm bị đối tượng chém mất cánh tay vẫn truy bắt tội phạm đến cùng; ông Nguyễn Văn Minh Tiến, ở TP Hồ Chí Minh gần 10 năm nay, dũng cảm phát hiện truy bắt hàng trăm vụ trộm, cướp, thu nhiều tài sản trả lại cho nhân dân, được nhân dân gọi là "Hiệp sĩ đường phố"; ông Nguyễn Thanh Hải, ở phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), gần 10 năm qua cùng anh em trong tổ xe ôm đã bắt hơn 400 vụ trộm, cướp, thu nhiều tài sản trả lại cho dân, được nhân dân quý mến gọi là "Lục Vân Tiên",v.v..
Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" trong tình hình mới, cần xác định rõ: "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Ðảng; gắn việc thực hiện "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" với triển khai học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI; Chỉ thị số 09-CT/T.Ư; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; Chỉ thị số 13 của Bộ trưởng Công an về: Tăng cường công tác dân vận của lực lượng CAND. Phát huy vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các đoàn thể quần chúng nhằm tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ", giữ gìn ANTT phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, ANTT ở từng địa phương, từng cơ sở để đưa ra nội dung, hình thức "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" có chất lượng và hiệu quả; làm tốt công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhất là các mô hình, điển hình tiên tiến về tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và các mô hình, điển hình có hiệu quả thúc đẩy công tác xã hội hóa về an ninh trật tự.
Thượng tá NGUYỄN KIM LONG (Bộ Công an)
Nguồn: Nhân Dân