Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/12/2010 23:30'(GMT+7)

3 điểm sáng của hoạt động đầu tư nước ngoài năm 2010

Xu hướng dòng FDI đổ vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Xu hướng dòng FDI đổ vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trong cuộc họp báo cuối năm ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, những điểm sáng nói trên cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu chưa được phục hồi thì kết quả thực hiện nguồn vốn FDI năm nay là một thành công, khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2009, trong đó, vốn thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2009 và vượt mức dự kiến của năm 2010.

Một điểm sáng khác hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực FDI. Cụ thể, vốn FDI chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2010, cao hơn con số 25,5% năm 2009. Xuất khẩu của khu vực FDI đạt 38,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 36,4 tỷ USD. Như vậy, khu vực này xuất siêu 2,35 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu cho nền kinh tế.

Ngoài ra, vốn FDI đăng ký cũng chuyển biến tích cực về chất, dù nếu xét về lượng thì chỉ gần đạt mục tiêu với xấp xỉ 18,6 tỷ USD. Cụ thể, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao với 385 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 5,1 tỷ USD, chiếm 27,3% lượng vốn đăng ký.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, đầu tư FDI đã diễn ra sự chuyển dịch từ công nghệ thấp sang công nghệ cao. Việt Nam đã có những nhà máy sản xuất các thiết bị tiên tiến “Made in Viet Nam”, ví dụ những thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho các đô thị hàng vạn dân, dàn cần cẩu tải trọng cao… Samsung Việt Nam đã trở thành một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện lớn của thể giới với khoảng 1 tỷ USD xuất khẩu.

Nhìn rộng hơn, dòng FDI đổ vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo duy trì ở mức cao, đều đặn trong nhiều năm trở lại đây và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Sẽ không chạy theo số lượng

Để đạt được mục tiêu vốn FDI thực hiện trong năm 2011 đạt 11-12,5 tỷ USD, vốn FDI đăng ký năm 2011 đạt khoảng 20 tỷ USD, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sẽ chú trọng và nâng cao chất lượng các dự án FDI mà không chạy theo số lượng.

Theo đó, sẽ theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về việc nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng biện pháp "chuyển giá", báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhìn nhận đây là hiện tượng đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, song hoàn toàn có thể ứng phó được.

Tại phiên chất vấn Quốc hội hôm 23/11, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng giải trình về vấn đề này. Trong 3 năm gần đây, Bộ đã thực hiện thanh tra 127 doanh nghiệp FDI kêu lỗ và đã thực hiện truy thu 1.450 tỷ đồng tiền thuế đối với các doanh nghiệp này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng thời gian tới sẽ xử lý được vấn đề này với sự phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan kiểm toán, thẩm định quốc tế. Đồng thời, sau khi một số doanh nghiệp bị xử lý, bản thân cộng đồng cách doanh nghiệp quốc tế sẽ phải tự điều chỉnh.

Về phân cấp quản lý FDI giữa Trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã đến lúc cần có những sự điều chỉnh để phân cấp đi đôi với quản lý hiệu quả hơn. Bởi thực tế là nhiều địa phương chạy theo thành tích, thu hút FDI tràn lan, không quan tâm đúng mức đến tính đến hiệu quả của dự án.

Việc điều chỉnh này không có nghĩa là Trung ương sẽ thu lại quyền của các địa phương nhưng sẽ quản lý chặt hơn ở một số lĩnh vực, như những dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản mà không chế biến sâu, các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng.../.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất