Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/12/2010 20:59'(GMT+7)

Phác thảo chân dung ”Việt Nam năm 2020"

Đến năm 2020, những chiếc phà như ở Tiền Giang này sẽ không còn hoạt động trên các tuyến đường giao thông bởi đã có các cây cầu thay thế.

Đến năm 2020, những chiếc phà như ở Tiền Giang này sẽ không còn hoạt động trên các tuyến đường giao thông bởi đã có các cây cầu thay thế.

Nhớ lại thời điểm hơn 10 năm về trước, năm 2000 - năm trước khi thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm  (2001- 2010),  tổng sản phẩm trong nước (GDP)  bình quân đầu người của Việt Nam khi ấy mới chỉ bằng 34,7% mức bình quân của khu vực Đông Nam Á; bằng 16,6% mức bình quân của châu Á và bằng 7,7% mức bình quân  của  thế giới. Đến năm 2008, GDP tính theo đầu người của Việt Nam đã bằng 42,8% mức  bình quân của vùng Đông Nam Á, bằng 26% mức bình quân của châu Á và  bằng 11,7% mức bình quân của thế giới. Đến năm 2010, GDP của Việt Nam đã cao gấp đôi năm 2000 và Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình, vị thế Việt Nam đã thay đổi. Năm 2009, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đạt 73 tuổi, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010. Đây là kết quả của việc tăng lên mức sống, của công tác y tế và chăm sóc sức khỏe dân cư,… là chỉ số đạt cao nhất trong 3 chỉ số thành phần của chỉ số phát triển con người.

Thắng lợi của việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2001-2010) tạo đà và niềm tin cho chúng ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020). Mục tiêu tổng quát của Chiến lược đã được thể hiện trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng  là: Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Theo dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), đến năm 2020, GDP của Việt Nam theo giá so sánh sẽ bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200USD, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình khá. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30% lao động xã hội. Kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%. Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. Thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010. Xóa nhà ở đơn sơ, tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 70%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn sẽ được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.

Các chỉ tiêu nói trên đã “khắc họa” được “chân dung” của Việt Nam năm 2020 và là niềm tự hào của dân tộc ta. Xây dựng các chỉ tiêu này hoàn toàn không viển vông mà được lập trên cơ sở khoa học. Chúng ta có đủ điều kiện để đạt được chỉ tiêu ấy. Tuy nhiên, con đường để đi đến mục tiêu còn nhiều khó khăn, thách thức, cần phải có những khâu đột phá, giống như người chiến sĩ khi đánh trận cần phải có những mũi đột phá xung kích.

Theo chúng tôi, các mũi đột phá chiến lược cần  tập trung ưu tiên vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.  Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế trí thức./.

(GS. Nguyên Đặng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất