Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 12/4/2013 14:37'(GMT+7)

40 năm quan hệ Pháp-Việt: Tổng kết và triển vọng

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Trung Dũng/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Trung Dũng/Vietnam+)

Chiều 11/4, hội thảo "40 năm quan hệ Pháp-Việt: Tổng kết và triển vọng" đã diễn ra để nhìn lại chặng đường 40 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước và đề cập tới phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức theo sáng kiến của Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện và của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, trong khuôn khổ các hoạt động của năm giao lưu chéo giữa Pháp và Việt Nam trải dài trong năm 2013 và 2014 nhằm thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tham dự hội thảo có ông Christian Poncelet, Thượng nghị sỹ, cựu Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng; Bộ trưởng đặc trách cựu chiến binh của Pháp Kader Arif; nhiều thượng nghị sỹ, đại biểu quốc hội Pháp.

Khoảng 120 nhà nghiên cứu, học giả, giới kinh doanh, hợp tác văn hóa giáo dục của Pháp và Việt Nam, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội hữu nghị Pháp-Việt, và đại diện một số vùng, thành phố có kết nghĩa, hợp tác với các địa phương của Việt Nam, cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp... cũng có mặt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Christian Poncelet đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đến hợp tác khoa học kỹ thuật.

Là người bạn gắn bó lâu năm với Việt Nam, ông Poncelet khẳng định Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Ông Poncelet nhấn mạnh Việt Nam hiện nay là một chủ thể tất yếu, quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là cửa ngõ để Liên minh châu Âu (EU) và Pháp thúc đẩy hợp tác với khu vực Đông Nam Á, đồng thời ngược lại Pháp cũng là cửa ngõ để Việt Nam tăng cường quan hệ với EU.

Ông Poncelet đề cao những đóng góp và nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước của Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện và thông báo một phái đoàn cấp cao của Thượng viện Pháp do ông Poncelet dẫn đầu sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 9/2013 nhằm nâng quan hệ liên nghị viện lên tầm cao mới.

Ông Poncelet cho biết với lịch sử 20 năm hình thành và phát triển, Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện, với 50 thành viên trên tổng số 348 thượng nghị sỹ ở Pháp, được xem là một trong những nhóm nghị sỹ hữu nghị năng động nhất trong hoạt động ngoại giao nghị viện tại Thượng viện, đã có nhiều hoạt động thiết thực như ủng hộ tổ chức Festival Huế, hỗ trợ trùng tu các khu nhà cổ truyền thống ở Việt Nam, tham gia nhiều dự án hợp tác y tế ở Việt Nam như tham gia hỗ trợ trung tâm tim mạch ở Thành phố Hồ Chí Minh...

Ông Poncelet bày tỏ mong muốn sẽ cùng các thượng nghị sỹ của Pháp thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, bởi theo ông, đó là sự lựa chọn của lý trí và trái tim, là sự lựa chọn hợp tác, đối tác mà cả hai bên cùng có lợi. Điều đó sẽ góp phần mở ra trang sử mới trong quan hệ Pháp-Việt và trong trao đổi liên nghị viện giữa hai nước.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã trân trọng cảm ơn Chủ  tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Christian Poncelet và các thượng nghị sỹ Pháp về sáng kiến tổ chức và công tác chuẩn bị hội thảo.

Đại sứ Dương Chí Dũng đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước, xuất phát từ mối quan hệ truyền thống, được làm sâu sắc hơn trong hiện tại và để hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự trong thời gian tới.

Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định quan hệ Việt-Pháp rất đa dạng, sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hơn 15 thỏa thuận, hiệp định hợp tác đã được ký kết giữa hai nước là cơ sở pháp lý vững chắc và có lợi cho sự phát triển quan hệ song phương. Trên bình diện chính trị, hai bên thường xuyên có trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, thiết lập các cơ chế đối thoại đều đặn nhằm tăng cường niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, là cơ sở cho mọi sự hợp tác và tiến tới cùng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Về hợp tác kinh tế, được xem là lĩnh vực ưu tiên, Pháp là đối tác hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên đến 3,7 tỷ USD, với hơn 300 doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam và trao đổi thương mại giữa hai nước.

Pháp hiện là nhà tài trợ song phương đứng thứ hai ở Việt Nam về viện trợ phát triển, với 3,14 tỷ USD, đầu tư vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Quan hệ Việt-Pháp cũng được tăng cường trong lĩnh vực giáo dục, hợp tác văn hóa, hợp tác phi tập trung.

Hiện có hơn 7.500 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học ở các cấp học đại học và sau đại học tại Pháp. Hợp tác giáo dục đại học của hai nước đang được thúc đẩy với dự án trọng điểm là xây dựng và phát triển Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) trở thành một trung tâm đào tạo tài năng và nguồn lực chất lượng cao cho đất nước.

Lĩnh vực hợp tác văn hóa cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đặc biệt lĩnh vực hợp tác phi tập trung ngày càng được thúc đẩy.

Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp-Việt lần thứ chín được tổ chức tại thành phố biển Brest của Pháp vào tháng 6/2013 là cơ hội để tăng cường và đa dạng hóa mối quan hệ đặc biệt này. Với vị thế và vai trò của mỗi nước trong mỗi khu vực, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có những nguồn lực quý và vô giá để tăng cường hợp tác, bổ trợ lẫn nhau, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Với nhiều kinh nghiệm về hợp tác phi tập trung từ các chức vụ nghị sỹ châu Âu và đại biểu hội đồng thành phố trước đây, trong phần phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng đặc trách cựu chiến binh của Pháp Kader Arif (hiện kiêm nhiệm phụ trách về hợp tác phi tập trung với Việt Nam trong tổ chức Cités Unies France, một liên đoàn tập hợp đại diện các địa phương của Pháp với mục đích thúc đẩy hợp tác phi tập trung giữa Pháp với các nước trên thế giới) nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác phi tập trung giữa các thành phố, địa phương của Pháp với các thành phố, địa phương của Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm, bắt đầu từ năm 1989, với thỏa thuận hợp tác phi tập trung đầu tiên được ký năm 1989 giữa vùng thủ đô Paris của Pháp với thủ đô Hà Nội của Việt Nam.

24 năm sau, đã có gần 20 thành phố, địa phương của Pháp quan hệ đối tác với các thành phố, địa phương của Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, hợp tác pháp ngữ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, vệ sinh môi trường, đô thị hóa, dạy nghề, phát triển kinh tế nông thôn, y tế, phát triển bền vững..., với tổng thể hơn 70 dự án hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Ông Arif đã nêu bật các hình mẫu hợp tác phi tập trung như hợp tác giữa thành phố Toulouse và thành phố Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, phát triển bền vững và mạng lưới giao thông đô thị; hay hợp tác giữa vùng Rhône-Alpes với Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đào tạo; hợp tác về văn hóa, tổ chức festival giữa vùng Poitou Charentes với tỉnh Thừa Thiên-Huế để tổ chức Festival Huế từ nhiều năm qua; hợp tác giữa vùng Aquitaine với tỉnh Lào Cai trong việc phát triển du lịch địa phương...

Bộ trưởng Arif ghi nhận quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước phải là những mối quan hệ đối tác lâu dài, tin cậy, có mối quan hệ hỗ tương trong hành động, nhằm tạo lập sự bình đẳng, đôi bên cùng có lợi trong logic hai bên cùng phát triển. Hợp tác phi tập trung phải hướng tới hỗ trợ phát triển kinh tế, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo, y tế.

Theo ông Arif, đào tạo nguồn nhân lực là mấu chốt của sự phát triển, và vì vậy cần khuyến khích tăng cường trao đổi học thuật, nghiên cứu trong một thế giới mà kinh tế tri thức là một điều kiện của sự cạnh tranh và tăng trưởng.

Ông Arif cho hay tại Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ chín sắp tới, hai bên sẽ trao đổi các đề tài về phát triển kinh tế với các chủ đề liên quan đến cộng đồng pháp ngữ, phát triển bền vững và quản trị địa phương.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu của Pháp đã trình bày các tham luận về quan hệ hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa, giáo dục đại học giữa Pháp và Việt Nam, đánh giá các thời cơ, thách thức cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới.

Các đại biểu của Pháp và Việt Nam đã đưa ra nhiều dẫn chứng, trao đổi làm sâu sắc thêm phần tham luận tại hội thảo. Nhiều ý kiến chung nhận định trong bối cảnh Pháp và EU đang gặp nhiều khó khăn trong giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực, việc thúc đẩy sự hợp tác toàn diện, hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mở ra triển vọng để Pháp và EU đóng vai trò và vị thế lớn hơn ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn, với nhiều xung lực hơn với Pháp và các đối tác EU, trên cơ sở mối quan hệ tin cậy, bình đẳng, hai bên cùng có lợi./.

Theo Trung Dũng/Paris (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất