Tạo lập cơ sở kiểu mẫu về thực hành nuôi con bằng sữa mẹ
Tại Việt Nam, 94% ca sinh diễn ra trong cơ sở y tế, nhưng chỉ có 27% trẻ được bú sớm một giờ đầu sau sinh. Nhiều bé không được hưởng trọn vẹn những giọt sữa non vô giá chỉ sản sinh trong 72 giờ vàng sau sinh. Một trong những lý do trẻ không được bú sớm là việc tách mẹ và con để cân, hoặc tiêm vitamin K, trong khi đây là các can thiệp có thể thực hiện sau khi trẻ được da kề da đủ 90 phút và có bữa bú đầu tiên.
Khảo sát điện thoại với 3.450 bà mẹ và người nhà, do Bộ Y tế và các đơn vị thực hiện trong đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho thấy, có tới 84% bà mẹ phản hồi được da kề da với bé, nhưng chỉ có 39% bà mẹ phản hồi thời gian da kề da đủ 90 phút. Do đó, chỉ có 63% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện.
Theo WHO, trẻ sơ sinh cần được da kề da với mẹ ít nhất 90 phút đầu sau sinh để ngăn ngừa nguy cơ hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ tử vong. Trẻ được da kề da sẽ tăng tỉ lệ bú mẹ sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh lên trên 3 lần và việc bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp giảm 2 lần nguy cơ tử vong so với trẻ không được bú sớm.
Tiêu chí đánh giá Bệnh viện đạt danh hiệu “Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc” nếu đáp ứng các tiêu chí sau:
Tiêu chí 1: Bệnh viện đạt tối thiểu mức 4 (hoặc 1 năm trước thời điểm đánh giá) tiêu chí E1.3 về Nuôi con bằng sữa mẹ thuộc Bộ Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện Việt Nam (theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Tiêu chí 2: Bệnh viện đạt các bảng kiểm về Chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/sau mổ lấy thai và Nuôi con bằng sữa mẹ.
Tiêu chí 3: Bệnh viện đạt quá trình khảo sát sự hài lòng của sản phụ/gia đình qua điện thoại di động/cố định. |
Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc là danh hiệu được Bộ Y tế trao cho những bệnh viện tuân thủ quy định về hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trong bệnh viện, tạo điều kiện cho mẹ và bé được da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện, sau quá trình giám sát liên tục, khách quan bởi cơ quan chuyên môn, và sản phụ/người nhà. Đây sẽ là các cơ sở kiểu mẫu về thúc đẩy thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam, được gắn biển công nhận, được vinh danh trên phương tiện truyền thông để sản phụ và gia đình có thông tin lựa chọn nơi sinh. Kinh phí được thực hiện với sự tài trợ của Chương trình Alive & Thirive Đông Nam Á.
Cả nước hiện có 29 bệnh viện tại 9 tỉnh, thành phố tham gia dự án là Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau. Hơn 50% trong số đó là bệnh viện tuyến huyện. Việc công nhận không chỉ giới hạn trong các bệnh viện sản - nhi và các bệnh viện tuyến trên nhằm tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các bệnh viện trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nếu toàn bộ 28 bệnh viện đạt danh hiệu sẽ có khoảng 235 ngàn trẻ, tức 17% số trẻ ở Việt Nam được sinh ra trong các bệnh viện có thực hành nuôi con sữa mẹ xuất sắc.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là nhiệm vụ của một mình người mẹ mà đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế. Tư vấn và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ là thực hiện đúng vai trò chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh của các BV có dịch vụ sản khoa trên cả nước.
Đến nay, có 5 bệnh viện đã được nhận danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc.
Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời (Cà Mau), để đạt danh hiệu “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”, bệnh viện phải trải qua các đợt giám sát, khảo sát nghiêm ngặt và đạt 3 tiêu chí đánh giá: Bệnh viện đạt tối thiểu mức 4 (hoặc 1 năm trước thời điểm đánh giá) tiêu chí E1.3 về nuôi con bằng sữa mẹ thuộc Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam của Bộ Y tế. Bệnh viện đạt các mức yêu cầu của các bảng kiểm về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ và nuôi con bằng sữa mẹ. Bệnh viện đạt mức yêu cầu của việc khảo sát bà mẹ sau sinh qua điện thoại. Hơn 40 bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện tham gia điều trị, chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện đã được tập huấn, để thực hành hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ.
Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, từ năm 2016, BV đã thực hiện chương trình Kangaroo đối với trẻ sinh non tháng, kết hợp da kề da đối với trẻ đủ tháng và hoàn thiện quy trình thực hiện này khi Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em hướng dẫn chương trình chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đến nay, da kề da trong 90 phút đầu tiên giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, ổn định thân nhiệt, hô hấp, gắn bó tình cảm và trách nhiệm giữa mẹ và con, tận dụng nguồn dinh dưỡng kháng thể tốt nhất cho bé vào những ngày đầu đời.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có hơn 90% trẻ được bú mẹ hoàn toàn sau sinh trong thời gian nằm tại bệnh viện. Nghiên cứu quan sát tác động tích cực của việc áp dụng da kề da đủ 90 phút liên tục ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng cho thấy, tỉ lệ trẻ sơ sinh phải chăm sóc đặc biệt giảm 30%, tỉ lệ phải sử dụng kháng sinh giảm trên 50% và tỉ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn tăng gấp 3 lần
Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam triển khai mô hình phòng sinh thân thiện. Theo đó, sản phụ được chọn bất cứ một người nào để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ nếu muốn. Người đồng hành sẽ khuyến khích, động viên, hỗ trợ sản phụ thở thật sâu và đều đặn trong suốt quá trình chờ sinh, xoa lưng, lau trán để sản phụ bớt đau đớn trong mỗi lần tử cung co thắt, khuyến khích sản phụ ăn uống, di chuyển, thay đổi tư thế theo ý muốn. Từ khi áp dụng mô hình phòng sinh thân thiện, tỉ lệ sinh mổ của bệnh viện giảm 6%, về mức 28% vào tháng 8.2019, thấp hơn khoảng 15% so với các bệnh viện cùng hạng. Tỉ lệ mổ lấy thai trong nhóm con so, đơn thai giảm còn 15%, đạt mức khuyến cáo của WHO.
Bệnh viện Hùng Vương là một trong những đơn vị tiên phong, mô hình điểm tại TP. Hồ Chí Minh trong triển khai các hoạt động tư vấn thay đổi nhận thức của bà mẹ về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, hỗ trợ sản phụ cho con bú hoàn toàn. Bệnh viện đầu tư 18 nhân viên chuyên trách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, huy động các khoa phòng tham gia. Hơn 80% trẻ sơ sinh tại viện được da kề da liên tục 90 phút với mẹ sau sinh, 83% trẻ có cữ bú đầu tiên khi da kề da với mẹ. Ngoài ra, 92% sản phụ tại BV Hùng Vương đánh giá tích cực hiệu quả tư vấn kiến thức, kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ của cán bộ y tế trong thời gian thăm khám và sinh con tại BV. Hơn 70% cho con bú hoàn toàn (không nước, không sữa công thức) trong thời gian nằm viện. Bệnh viện treo nhiều tranh ảnh, áp phích, video hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ. Mỗi sản phụ nhận được một sổ khám thai, trong đó có phiếu theo dõi tư vấn sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ gồm tư vấn ba tháng cuối thai kỳ, tư vấn và hỗ trợ bé bú cữ bú đầu tiên trong 90 phút đầu sau sinh, hướng dẫn kỹ năng cho con bú tại phòng hậu sản.
Hoàng Minh