Thứ Hai, 16/9/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 9/12/2019 9:24'(GMT+7)

Đề án 818 một số tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện

Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: TL

Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: TL

Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án 818 về xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản bước đầu đã có hiệu ứng tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn 3 tỉnh hiện chưa xây dựng Đề án và nhiều tỉnh trong quá trình triển khai cũng gặp khó khăn.

Trong đó, rất nhiều các tỉnh thành đã thực hiện tốt việc phân phối sản phẩm như Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Tây Ninh, Hồ Chí Minh, Tiền Giang hay Cao Bằng. Sự vào cuộc của các tỉnh thành trong việc thực hiện Đề án 818 có được là do các tỉnh thành đã có kế hoạch lộ trình rất chi tiết và bài bản để thực hiện đề án. Các cấp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Đề án 818 Trung ương cũng đã có nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, tổ chức thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế đủ điều kiện giai đoạn 2016 - 2020.Theo đó, có 100 cơ sở y tế đủ điều kiện tại 4 tỉnh là Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp.

Ban Quản lý Đề án 818 đã phối hợp với Vụ Quy mô dân số và KHHGĐ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tổ chức hội thảo triển khai mô hình tại 4 tỉnh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho cán bộ cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trên, hỗ trợ kinh phí để địa phương lựa chọn đơn vị tham gia, giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ.

Ở các địa phương này đã tổ chức hội thảo triển khai mô hình và lựa chọn các cơ sở y tế đủ điều kiện. Đồng thời tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho 225 cán bộ cung cấp dịch vụ của 75 cơ sở y tế thuộc 3 tỉnh Nghệ An và Hải Dương, Thừa Thiên Huế.

Song song với việc vào cuộc của nhiều địa phương đang hoạt động có hiệu quả Đề án 818, hiện vẫn còn 3/63 tỉnh, thành phố chưa xây dựng Đề án bao gồm: Hậu Giang, Sơn La, Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh Hậu Giang đang cơ cấu lại bộ máy, Sơn La đã nghiên cứu và không ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, tuy nhiên tỉnh vẫn thực hiện phân phối các sản phẩm xã hội hóa của Đề án kể từ năm 2016. Còn Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chương trình tiếp thị xã hội.

Cao Bằng được xem là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, bà Lục Thị Thắng - Chi Cục trưởng Chi Cục DS –KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh rất quan tâm và tạo điều kiện cho công tác dân số, xác định xã hội hóa là xu thế tất yếu phải làm trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tỉnh có cách đi riêng. Không xin được kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xã hội hóa từ nguồn ngân sách địa phương, Chi Cục Dân số - KHHGĐ đã xin tỉnh tạo điều kiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý với mong đợi có nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa.

Từ năm 2017, Chi Cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu cho Sở Y tế, cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho hoạt động này. Tại tỉnh hiện các đối tượng hộ nghèo mới được cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí, còn tất cả đối tượng còn lại đều sử dụng các dịch vụ, phương tiện tránh thai theo hình thức xã hội hóa. Những đối tượng được nhận miễn phí cần có mã số thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo.

"Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn gặp khó khăn. Trước tiên, về việc cần đa dạng hóa các sản phẩm như que cấy, viên uống tránh thai cho con uống… Việc đưa sản phẩm chưa có trong Đề án 818 vào xã hội hóa rất khó. Thứ 3 là hiện bộ máy đang sắp xếp lại nên cũng có những ảnh hưởng trong công tác dân số nói chung và việc triển khai xã hội hóa nói riêng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân tại tỉnh thấp nên giá sản phẩm mà cao là rất khó được tiếp nhận" – bà Thắng cho hay.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, để phát triển Đề án 818, các địa phương cần phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ theo phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của người dân.

Đồng thời, tuyên truyền phổ biến về xã hội hóa phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, người có nhu cầu sử dụng nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi từ việc được sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí sang tự chi trả.

Cùng với đó, các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Đề án 818 Trung ương tổ chức, huy động sự tham gia của các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập đủ điều kiện tham gia Đề án 818; xây dựng hệ thống bảo đảm cho việc dự phòng, sàng lọc, kiểm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng chuyên môn đã được quy định./.

Gia Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất