Tính đến 8 giờ ngày 6/7, mưa lớn từ ngày 3-6/7 đã làm 4 người chết và 2 người bị thương, hàng chục hécta hoa màu bị thiệt hại, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 3-6/7 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tính đến 8 giờ ngày 6/7, mưa lớn đã làm 4 người chết (Hà Giang, Điện Biên) và hai người bị thương (Hà Giang).
Tại tỉnh Hà Giang, 14 nhà bị hư hỏng do sạt lở; 7,76ha lúa bị vùi lấp; 110 vị trí sạt lở. Nhiều tuyến đường tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên bị sạt lở với hàng trăm vị trí, hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống mặt đường.
Đặc biệt, tuyến tỉnh lộ 177 Bắc Quang-Hoàng Su Phì đã bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông tại một số điểm.
Cầu treo bắc qua sông Chảy đoạn qua địa phận xã Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì) bị hư hỏng nặng.
Hàng chục hécta hoa màu bị thiệt hại và hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; ước tính tổng thiệt hại hàng khoảng 4 tỷ đồng.
Tại tỉnh An Giang, trong ngày 3/7, tuyến đường bờ Nam kênh Đào, thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú xảy ra sạt lở một đoạn với tổng chiều dài khoảng 5m, ăn sâu vào mặt đê 2,5m.
Cùng ngày, tuyến kênh Mương Sung, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới xảy ra rạn nứt, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 45m.
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi Khí hậu - Phòng, chống Thiên tai và Phòng thủ Dân sự tỉnh An Giang, nhận định nguyên nhân 2 vụ sạt lở được xác định do ảnh hưởng của dòng chảy, mái taluy đường thẳng đứng và ảnh hưởng của những đợt mưa đã phá vỡ kết cấu đất, các phương tiện giao thông thủy qua lại trên tuyến, gây sụt lún đất bờ Nam kênh Đào và tuyến kênh Mương Sung.
Chính quyền các địa phương đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân có người bị chết bởi mưa lũ.
Mưa lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân trong khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cuộc sống, tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại.
Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thực hiện công văn số 246/VPTT ngày 3/7/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)