Việc “Cảnh báo sớm để hành động sớm”, nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, dự báo tác động của biến đổi khí hậu cũng như sự phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu đồng thời góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất.
Xu thế thời tiết phức tạp
Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong tháng 1/2023, đặc biệt là những ngày nghỉ Tết Quý Mão, người dân tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhiều khu vực vùng núi cao đã xảy ra băng tuyết.
Thông tin về xu thế các hình thái thời tiết trong những tháng tiếp theo trong năm 2023, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, năm 2023, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Các tháng đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến khu vực miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Những tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.
Thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên các khu vực trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.
Từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông, suối của hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, sông Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình trong tháng 1-2 xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 10-20% do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ lớn hơn trung bình nhiều năm.
Trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%; riêng một số sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022. Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2-3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2023. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Từ tháng 2-3/2023, khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường; đợt 1 từ 7-10/2, đợt 2 từ 19-24/2, đợt 3 từ 9-11/3, đợt 4 từ 20-25/3, đợt 5 từ ngày 7-9/4 và đợt 6 từ ngày 18-22/4. Độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,1m.
Các đợt triều cường cuối năm 2023 (từ tháng 10-12/2023), mực nước trạm Vũng Tàu có khả năng ở trên 4,3m, nguy cơ cao gây ngập úng vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ (với xác suất trên 70%).
Ứng dụng công nghệ mới trong dự báo
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm, để có những bản tin sớm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng; hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/năm).
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới, Trung tâm đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại được cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.
Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin của Trung tâm cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước.
Hiện nay, các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có nhiều đổi mới theo hướng nhanh, sát thực tế, được cung cấp thường xuyên cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các bản tin về khí tượng thủy văn phản ánh rõ nét về các tác động của thiên tai đối với cộng đồng, phục vụ đổ ải các vụ mùa.. Các bản tin về hải văn trong đó đặc biệt là vấn đề dự báo biển giúp chính quyền và ngư dân các địa phương ven biển chủ động theo dõi, ứng phó và đảm bảo an toàn trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế biển.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu về phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của đất nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao.
Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cần hợp tác với các đơn vị trong Tổng cục Khí tượng thủy văn và các cơ quan liên quan đặc biệt là Trung tâm thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung (CDH), ứng dụng khoa học, các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn.
Trung tâm cần đổi mới, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là công tác dự báo hải văn. Thông tin dự báo, cảnh báo hải văn phải trở nên như "một trinh sát" cung cấp thông tin về dự báo biển phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế biển,
Trung tâm tiếp tục triển khai thu thập, tổng hợp các thông tin về các yếu tố kinh tế – xã hội để phục vụ dự báo tác động của thời tiết, thiên tai. Triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai. Trung tâm cần có một đội ngũ chuyên thực hiện dự báo tác động các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, Trung tâm cần nâng cao chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; dự báo biển... khai thác tối đa các nguồn thông tin từ vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các thông tin dự báo, đặc biệt là của mô hình khu vực độ phân giải cao để đưa ra các cảnh báo sớm, kịp thời và có độ tin cậy cao đối với các loại hình thiên tai. Trung tâm cần chú trọng tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ theo hướng đào tạo chuyên môn và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ./.
Theo TTXVN