Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 14/12/2011 21:57'(GMT+7)

7 đề án phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011-2020

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đây là một trong những mục tiêu đặt ra của Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt.

Chương trình này cũng đặt mục tiêu xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành các trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện của ngành sư phạm cả nước.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình xác định rõ 7 đề án phải thực hiện.

Đề án 1: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm. Đề án này tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho 2 trường đại học sư phạm trọng điểm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) thành các cơ sở đào tạo có trình độ cao làm nòng cốt nghiên cứu và thực hiện những chủ trương lớn của ngành trong đổi mới hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đổi mới hệ thống các trường sư phạm. Đồng thời, đầu tư phát triển trường đại học sư phạm/khoa đại học sư phạm ở Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Tây Bắc để cùng với các trường đại học sư phạm trọng điểm tập trung đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

Đề án 2: Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm với mục tiêu đến năm 2015, 100% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ…

Đề án 3: Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên. Thực hiện Đề án này, cơ sở đào tạo giáo viên phải thực hiện "3 công khai", trong đó có công bố chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành đào tạo giáo viên, cam kết chất lượng đào tạo và chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Đề án 4: Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cụ thể, sẽ triển khai thí điểm và mở rộng dần hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo địa chỉ sử dụng thông qua các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng...

Đề án 5: Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục).

Đề án 6: Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm. Một trong các mục tiêu của Đề án là đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, trở thành nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Đề án 7: Kiểm định chất lượng các trường sư phạm nhằm đánh giá và công bố định kỳ chất lượng các trường sư phạm, các chương trình đào tạo giáo viên, góp phần thực hiện "3 công khai", xây dựng chất lượng các trường sư phạm ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm và 39 trường cao đẳng sư phạm.

Bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường, trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…


(Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất