Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 14/12/2011 21:45'(GMT+7)

Lạm dụng giáo án điện tử - Lợi bất cập hại

Sử dụng giáo án điện tử tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 - TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Hải/SGGP).

Sử dụng giáo án điện tử tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 - TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Hải/SGGP).

Giáo án điện tử trên... giấy

Có mặt tại một lớp tại chức năm cuối Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, ghi nhận cho thấy đã hơn 18 giờ 30 nhưng giờ học môn Semantics (Ngữ nghĩa học – PV) vẫn chưa bắt đầu. Giáo viên chủ trì buổi học hôm đó, cô Nguyễn Thị Như Ngọc đang loay hoay các thao tác đấu nối màn hình máy chiếu với máy tính xách tay chứa tập tin nội dung bài giảng. Sau một hồi “đập đập, ấn ấn”, máy chiếu vẫn không hoạt động.

Cuối cùng, giáo viên đứng lớp phải chữa cháy bằng cách yêu cầu sinh viên lấy tập bài giảng đã được in và phát ra trước đó, bên trong có chứa đầy đủ tất cả slide (đơn vị tính trang trình chiếu trên màn hình vi tính) nội dung bài giảng.

Ngọc Anh, sinh viên khóa 2006-2011, Khoa Ngữ văn Anh cho biết: “Số lượng máy chiếu của trường có hạn. Hôm nào sinh viên may mắn lấy được máy tốt thì giờ học bắt đầu sớm, hôm nào máy trục trặc thì cô và trò học chay. Do đó, từ buổi đầu tiên của khóa học, các thầy cô đã in sẵn GAĐT ra giấy, mỗi trang A4 bao gồm 6 slide giáo án, hôm nào máy chiếu hoạt động tốt thì học bằng máy chiếu, hôm nào máy trục trặc thì theo dõi qua tập bài giảng vì nội dung thật ra chỉ là một”. Đến cuối khóa, sinh viên cầm tập bài giảng học thuộc lòng từng định nghĩa, ví dụ không khác gì cách học truyền thống qua sách giáo khoa, chỉ khác là trên cùng một trang giáo án có thể bao hàm nội dung của 2, 3 đề mục.

Như vậy, mặc dù mang tiếng là học theo phương pháp trình chiếu GAĐT nhưng thật ra cách dạy và học của cả thầy lẫn trò đều không có gì cải tiến so với trước, trong đó sách giáo khoa lùi bước nhường chỗ cho các văn bản dưới định dạng slide máy tính. Thậm chí nhiều bạn suốt toàn khóa học hầu như không tham dự, cuối khóa chỉ cần cầm USB lên xin giảng viên chép lại bài giảng là đã có đề cương ôn tập tốt. Máy chiếu thành ra thừa thãi, có cũng tốt, song không có cũng chẳng sao!

Ở một khía cạnh khác, đối với nhiều giáo viên lớn tuổi, sử dụng GAĐT chỉ mang tính đối phó vào những dịp có dự giờ, thao giảng, thanh tra hoặc hội thi giáo viên giỏi, các giờ học còn lại đều sử dụng bảng đen, phấn trắng.

Giáo viên dạy môn Sử (xin được giấu tên) của một trường THCS ở quận Bình Thạnh cho biết, mỗi khi cần soạn mới hay thay đổi nội dung giáo án, cô đều viết ra giấy rồi nhờ đồng nghiệp hoặc thuê người chuyển thể thành slide trên máy tính. Mỗi khi vào lớp, giáo viên này tiếp tục nhờ một học sinh giỏi về công nghệ thao tác trên máy tính, còn mình vẫn cầm tập bài giảng bằng giấy truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Hay như cách làm của quận Gò Vấp nhiều năm qua, nhằm tạo điều kiện tất cả các trường đều có thể sử dụng GAĐT, mỗi đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm soạn giáo án từ 2-3 môn học, sau đó in ra, đóng thành quyển hoặc sao chép file, trao đổi cho nhau để đảm bảo trường nào cũng có trọn bộ GAĐT ở tất cả các môn.

Việc làm này theo một giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Gò Vấp) đã làm mất đi tính chủ động, sáng tạo của từng giáo viên trong quá trình giảng dạy, thay vào đó, giáo án của trường nào cũng giống trường nào dễ gây nhàm chán cho học sinh. Riêng đối với giáo viên ở những địa phương không phổ biến phong trào “chia sẻ GAĐT” cũng có thể sử dụng các tập tài liệu “lưu hành nội bộ” in sẵn nội dung toàn bộ GAĐT của tất cả môn học đang được học sinh truyền tay nhau hoặc sao chép trên Internet với tốc độ chóng mặt.

Vì sao giáo viên không mặn mà?

Không thể phủ nhận những lợi ích về mặt trực quan sinh động mà GAĐT đem lại, song vì sao phương pháp tiến bộ này chưa được nhiều thầy cô quan tâm đúng mức? Câu chuyện của một giáo viên trẻ môn Khoa học công nghệ, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Từ khi trường triển khai phương pháp giảng dạy bằng GAĐT, thầy đã bỏ ra hẳn 5 tháng học các khóa nâng cao về tin học, tìm kiếm tài liệu qua mạng Internet và 2 tháng làm hiệu ứng mới hoàn thành bộ GAĐT cho môn học. Gần đến thời hạn nộp giáo án, máy tính bị nhiễm virus, toàn bộ tập tin, hình ảnh đều bị xóa sạch, mọi thứ phải làm lại từ đầu.

Song, chưa kịp mừng thì ngay trong buổi đầu tiên thao giảng, giáo viên này lại một phen hoảng hồn khi phát hiện các hiệu ứng sử dụng trong bộ giáo án (vốn chỉ đọc được trên máy tính cài đặt hệ điều hành Windows 2007) máy tính trường không đọc được. Thế là một lần nữa xôi hỏng bỏng không!

Đó là chưa kể hàng loạt trở ngại khác khi giáo viên sử dụng GAĐT như học sinh chỉ chú ý đến các hiệu ứng, hình ảnh lạ mắt, vui nhộn của bài giảng mà chưa quan tâm đúng mức đến nội dung cốt lõi; hôm nào trường bị sự cố mất điện, máy chiếu hư, máy tính hoặc USB của giáo viên bị nhiễm virus thì xem như thầy trò phải học chay hoặc nghỉ một buổi vì không có giáo án; đối với các môn học có nhiều công thức, số liệu tính toán như Toán, Lý, Hóa, việc trình chiếu slide Power Point thế nào để vừa không gây rối mắt vừa giúp học sinh ngồi bàn cuối vẫn có thể theo dõi là một nhiệm vụ khó mà không phải giáo viên nào cũng làm được, riêng đối với các môn nghị luận xã hội như Văn, Sử, Địa, làm sao để giờ giảng không rơi vào tình trạng chiếu – chép thay vì đọc – chép trước đây cũng là một vấn đề nan giải.

Tóm lại, sử dụng GAĐT trong giảng dạy hiện nay là xu thế tất yếu của thời đại khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Việc làm này không ngoài mục đích đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học. Tuy nhiên, nếu chỉ chạy đua sử dụng theo phong trào sẽ vừa lãng phí, vừa làm mất thời gian, công sức của giáo viên và học sinh trong khi chất lượng giảng dạy không có gì cải thiện.

Vì vậy, bản thân mỗi giáo viên phải căn cứ vào đặc thù của từng môn học, trình độ học sinh trong lớp và điều kiện cơ sở vật chất của từng trường để đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, sử dụng GAĐT đúng môn, đúng chỗ, đúng lượng./.

(Thu Tâm/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất