Giữa bạt ngàn mầu xanh trùng điệp của núi rừng, đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở bản Nà Cáy, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) còn thiếu cái ăn và nước uống. Nhưng lớp học Nà Cáy trên đỉnh núi vẫn hằng ngày "gieo" những con chữ, làm sáng dạ con em đồng bào.
Từ trụ sở xã Cao Sơn, mất hơn hai giờ đồng hồ "cuốc bộ" vượt qua những con dốc gần như thẳng đứng, những đoạn đường ngoằn ngoèo, chúng tôi mới đến được bản Nà Cáy. Cả bản có hơn mười nóc nhà bám vào các sườn núi, cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, chung quanh là núi cao, không có ruộng cấy lúa, quanh năm trồng ngô trên nương rẫy. Nước sinh hoạt ở đây cũng rất hiếm, vào mùa khô các gia đình phải xuống suối gánh nước về sinh hoạt. Những năm trước đây, các hộ toàn du canh, du cư nên không có điều kiện đi học. Mù chữ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo, lam lũ.
Khi đã định canh, định cư ổn định ở Nà Cáy, đồng bào Dao bắt đầu ý thức được vấn đề phải cho con em đi học lấy cái chữ để làm sáng cái dạ. Nhưng phải đi học mãi dưới xã, vào mùa đông cha mẹ phải đốt đuốc đưa con tới trường từ sáng tinh mơ cho kịp giờ học, tan học chưa về đến nhà thì trời đã tối, lại đốt đuốc đi đón con về. Ngày nào cũng thế, nên hầu hết các hộ đều không kham được, không thể bỏ việc trồng ngô, trồng sắn để ngày nào cũng đưa đón con đến trường, nên hầu hết các em đều bỏ học.
Không thể để con em Nà Cáy thất học, hơn mười năm trước, Ðảng ủy, chính quyền xã đề nghị huyện cho mở lớp học ở Nà Cáy, các đồng chí lãnh đạo huyện ủng hộ ngay. Thế là lãnh đạo Ðảng ủy xã lên Nà Cáy bàn với bà con đóng góp vật liệu, góp tiền mua tấm lợp, chung tay dựng lên lớp học trên một quả đồi ngay tại bản. Từ khi có lớp "cắm bản", huyện cử giáo viên lên, con em Nà Cáy được học "cái chữ" gần nhà. Hiện nay lớp học này có mười em, ghép trình độ từ lớp 2 đến lớp 5 để các em cùng học.
Nhà ở dưới xuôi, cô giáo Hoàng Thị Hường đã gắn bó với lớp học này từ ngày đầu mới thành lập. Từ đó đến nay, cô Hường bền bỉ, âm thầm vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, cuối tuần mới có thời gian về nhà thăm chồng con, mua cá khô, mì tôm lên ăn cả tuần. Phòng nghỉ của cô Hường cũng sơ sài như lớp học, vách nứa xập xệ, mọt rơi lả tả, chủ nhân phải dùng bạt mưa căng lên để che chắn mọt. "Tài sản" của cô Hường là chiếc tủ sắt cũ, bộ bàn ghế tự tạo và vài chiếc nồi niêu nấu nướng.
Các cháu ở đây thường chưa biết nói tiếng phổ thông, cô và trò bất đồng ngôn ngữ, cô giáo giảng bài mà học trò không hiểu, ngồi dưới lớp ngơ ngác như vịt nghe sấm! Cô phải học tiếng Dao để dạy song ngữ, giúp các cháu hiểu bài giảng. Chỉ có một lớp học, nhưng cô giáo Hường phải dạy đến bốn trình độ, ghép lớp 2, 3, 4 và lớp 5 trong một phòng học. Ðó là lớp học "bốn trong một", lớp học đặc biệt vì toàn tỉnh chỉ duy nhất có lớp học như thế ở bản Nà Cáy này. Ðể có thể dạy học được, cô Hường phải kê bàn ghế hình chữ U, mỗi lớp quay một hướng, lần lượt dạy hết lớp này đến lớp kia nên phải rèn luyện cho các cháu nền nếp, ý thức học tập. Một buổi dạy của cô Hường, trước khi giảng bài cho một lớp thì phải ra bài tập cho ba lớp còn lại. Cứ như vậy, học sinh lớp trên nhiều khi được ôn lại kiến thức lớp dưới bị "quên", biết học sinh nào hổng kiến thức gì, khi giảng bài lớp dưới cô lại nhắc em đó chú ý nghe giảng.
Khó khăn là thế, nhưng cô Hường tâm sự: "Mỗi ngày giúp các em ở vùng đất khó này biết viết một vài chữ, biết đọc thêm một vài câu, biết làm một phép tính và nhất là mỗi năm chia tay một vài em "ra trường", xuống trường chính để học lớp 6, đón vài em vào học là niềm vui lớn nhất đối với tôi. Vui nhất là phần lớn các gia đình ở đây đã ý thức được việc cho con em đến lớp học cái chữ, thi thoảng bà con giúp cô giáo sơn lại cái bảng, sửa lại cái bàn bị gãy chân, thay một vài tấm lợp bị vỡ".
Chưa thể so sánh chất lượng lớp học "bốn trong một" với các lớp học bình thường khác, vì lớp học đơn sơ, thiết bị dạy học không có, một cô giáo cùng lúc dạy đến bốn trình độ, nhưng điều quan trọng nhất là con em đồng bào Dao ở đây không bị thất học, mù chữ. Mong ước bấy lâu nay của cô Hường và đồng bào Dao ở Nà Cáy là các cấp, ngành chức năng tỉnh Bắc Cạn đầu tư ở đây một lớp học kiên cố, mua sắm một số thiết bị giảng dạy thiết yếu để từng bước cải thiện điều kiện dạy và học ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Thế Bình/ Nhân Dân