Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự nghiệp này đặt ra cho thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên những yêu cầu ngày càng cao không chỉ về trình độ chuyên môn, tay nghề, mà còn cả về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của sinh viên.
Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên, thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã xác định một trong những phương hướng cơ bản là phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền. Việc đổi mới đó phải bám sát vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, đặc thù của địa phương, vào xu thế chung của đất nước và quốc tế, nhằm đảm bảo hình thành, củng cố, phát triển ở sinh viên những phẩm chất của con người Việt Nam hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên tinh thần đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc xây dựng những nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên, trong đó tập trung vào 3 yêu cầu cơ bản sau:
Nội dung tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn, tránh trùng lặp, tránh dẫn tới sự nhàm chán cho sinh viên.
Trong thực tế, giữa nội dung các môn học có chức năng trực tiếp tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên như Mỹ học, Cơ sở văn hóa Việt Nam... có những phần kiến thức trùng lặp nhau; hoặc giữa chương trình giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên đoàn viên của Bộ GD-ĐT và Đoàn Thanh niên cũng có những nội dung trùng lặp. Đó là một trong những nguyên nhân ít nhiều tạo cảm giác nhàm chán, gượng ép, thiếu tính tích cực, chủ động trong quá trình tuyên truyền và tiếp nhận những nội dung liên quan đến lối sống văn hóa trong sinh viên. Do đó, yêu cầu đặt ra là, cần phải có một sự nghiên cứu, rà soát tổng thể toàn bộ nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên, để từ đó xây dựng được một nội dung đảm bảo các yêu cầu cơ bản, cô đọng, không trùng lặp, tạo được hứng thú học tập cho sinh viên.
Nội dung tuyên truyền phải mang tính toàn diện, hài hòa, bao gồm cả giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật.
Nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên phải đảm bảo tính toàn diện, hài hòa cả về dung lượng kiến thức và thời gian của các mảng tri thức Chính trị-Đạo đức-Lối sống-Pháp luật. Trong một thời gian dài, chúng ta quá thiên về giáo dục tư tưởng chính trị mà chưa coi trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức và lối sống, đặc biệt là giáo dục ý thức pháp luật- một yêu cầu cơ bản của con người hiện đại, một tiêu chuẩn quan trọng của người công dân trong xã hội mới.
Từ năm học 2007-2008 trở về trước, trong chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT quy định 22/190 đến 210 đơn vị học trình cho việc giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ chí Minh, Lịch sử Đảng cho sinh viên ở bậc đại học, trong khi đó chỉ có 2 đơn vị học trình cho môn Đạo đức học dành riêng cho sinh viên bậc đại học và cao đẳng của khoa Sư phạm tiểu học, 3 đơn vị học trình cho môn Pháp luật đại cương dành cho sinh viên bậc đại học một số chuyên ngành của khoa Nông-Lâm-Ngư, khoa Kĩ thuật-Công nghệ, khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh và khoa khoa học xã hội. Chính sự bất hợp lí này cũng là một nguyên nhân làm cho nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên có phần nặng về giáo dục lí luận chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, pháp luật, lối sống. Kết quả là sinh viên thiếu hụt một số những phẩm chất đạo đức quan trọng, không có được những kiến thức pháp luật cơ bản rất cần thiết. Hiệu quả tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Để khắc phục hạn chế này, yêu cầu đặt ra là cần phải nghiên cứu, cân đối lại chương trình, thời lượng giảng dạy, học tập các môn Lí luận chính trị, Pháp luật, Đạo đức, Văn hóa cho phù hợp với từng loại đối tượng người học.
Nội dung tuyên truyền phải vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, bổ ích, dễ tiếp thu.
Thực tiễn luôn luôn vận động và phát triển, bởi vậy việc tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên đòi hỏi phải vừa mang tính kế thừa vừa có tính phát triển cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của hoàn cảnh mới. Điều này đòi hỏi trong nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên tất yếu phải đảm bảo những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song phải chú ý đến sự kế thừa mang tính phát triển, nhằm đảm bảo “tính thời đại” - sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần chú ý bổ sung kịp thời những giá trị văn hóa mới để định hướng cho sinh viên tiếp cận có chọn lọc các giá trị nhân văn mà loài người tiến bộ đang hướng tới, từ đó xây dựng, rèn luyện cho mình những phẩm chất mà xã hội đang cần. Có như vậy nội dung tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên mới không bị nghèo nàn, sáo rỗng, đơn điệu, xa rời thực tế; hoạt động tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên, thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cùng với việc đổi mới nội dung cũng đã chú trọng đến công tác đổi mới một số hình thức và phương pháp tuyên truyền, trong đó có việc khuyến khích đưa hình thức hoạt động ngoại khóa vào quá trình học tập. Qua đó tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn và nâng cao hiệu quả tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên.
Đoàn Thanh niên của Trường thường xuyên tìm tòi, tăng cường, đổi mới các hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền lối sống văn hóa cho đoàn viên sinh viên. Trong đó yêu cầu đặt ra là phải kết hợp được tuyên truyền lối sống văn hóa với việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của đoàn viên sinh viên, như nâng cao kết quả học tập, rèn luyện; giải quyết việc làm; đáp ứng các nhu cầu văn hóa, thông tin, vui chơi, giải trí,... Điều đó không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thu hút được đông đảo đoàn viên sinh viên tham gia, mà còn tránh được việc “hành chính hóa” các hoạt động của Đoàn.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao công tác tuyên truyền văn hoá cho sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc. Để góp phần vào việc đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền văn hoá cho sinh viên, trước mắt cần quan tâm đến những điều kiện tiếp cận các dịch vụ văn hoá, giải trí; đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sinh viên về hưởng thụ, tham gia vào các chưong trình văn hoá. Trong đó cần chú ý vào những nội dung sau:
Một là, tăng cường các hoạt động văn hoá-văn nghệ có định hướng, phù hợp với nhu cầu của sinh viên.
Một trong những hình thức, phương pháp tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên có hiệu quả là thu hút sinh viên vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh. Tuổi trẻ có nhu cầu rất lớn về giao lưu và vui chơi, giải trí. Quan trọng là phải thu hút, hướng sinh viên vào những hoạt động giải trí tích cực, tránh bệnh hình thức chủ nghĩa. Càng không nên sa đà vào bề nổi của phong trào mà không quan tâm đầy đủ và làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Mọi hoạt động vui chơi giải trí là để tăng cường sức khoẻ, bồi đắp tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương đất nước và mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Việc lựa chọn những hình thức sinh hoạt, giao lưu văn hoá mới mẻ, trẻ trung, sinh động, trí tuệ, bổ ích, phù hợp với nhu cầu của sinh viên là điều rất cần thiết. Ví dụ như hàng tháng tổ chức một buổi tối cho sinh viên sinh hoạt đoàn thể, học hát, xem phim, thi tay nghề; định kỳ tổ chức những câu lạc bộ như Bạn yêu ca hát, Rèn tay nghề, Nữ sinh, Dạ hội tiếng Anh…; tổ chức khiêu vũ, nghe thời sự, nói chuyện văn học, tham quan, giới thiệu về những di tích lịch sử, văn hoá của Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội….
Hai là, đầu tư các trang thiết bị, phục vụ như cầu tiếp nhận, giao lưu thông tin, kiến thức văn hoá cho sinh viên
Thực tế cho thấy, sinh viên của nhiều trường Cao đẳng nói chung, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc nói riêng, nhất là các em ở ký túc xá còn thiếu thốn về điều kiện hưởng thụ và tiếp xúc với các lĩnh vực văn hoá, giải trí. Điều nay đòi hỏi cần phải có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa. Bước đầu có thể cải thiện bằng cách trang bị một số tivi đặt ở nơi công cộng trong ký túc xá; tăng cường hệ thống âm thanh, tổ chức xây dựng chương trình hoạt động để hướng sinh viên tới một lối sống văn hoá đẹp đẽ. Trong giờ nghỉ có thể phát tin tức thời sự hoặc chương trình ca nhạc, chương trình văn hoá thể thao; xây dựng những bản tin nội bộ, phản ánh các hoạt động của nhà trường; khen ngợi, biểu dương những đơn vị, cá nhân có việc làm, lối sống tốt; phê phán kịp thời những hành vi không đẹp trong tuần. Có thể bố trí mở cửa thư viện cả vào buổi tối để sinh viên đến đọc sách báo hoặc tự học ở trong một không gian yên tĩnh.
Ba là, nâng cấp cơ sở hạ tầng và những điều kiện phục vụ nhu cầu hoạt động văn hoá-thể thao của sinh viên.
Cần sửa sang, nâng cấp, xây dựng thêm hệ thống sân vận động, gồm sân bóng, sân cầu lông, bóng bàn; đầu tư một số nhạc cụ và dụng cụ thể thao cho sinh viên luyện tập. Nếu điều kiện cho phép, có thể biên chế một cán bộ có trình độ về âm nhạc để làm công việc chuyên trách văn nghệ của nhà trường. Nên có cán bộ chịu trách nhiệm quản lý những dụng cụ văn hoá thể thao một cách chặt chẽ, khoa học, chu đáo, tránh lãng phí, hư hại; đồng thời tạo điều kiện để sinh viên có thể tiếp cận, sử dụng một cách thuận lợi.
Bốn là, mở rộng trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Cần có kế hoạch thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý, công tác tuyên truyền lối sống văn hoá với các trường ĐH-CĐ có bề dày kinh nghiệm.
Tóm lại, cùng với những kết quả đã đạt được, nhằm khắc phục những mặt hạn chế, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức và phát huy cao độ vai trò của các chủ thể tuyên truyền; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức, phương pháp tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên; xây dựng, đào tạo đội ngũ những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền lối sống văn hóa cho sinh viên cao về chất lượng, đảm bảo về số lượng; tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động tuyên truyền…/.
Phùng Thị Vân
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc