Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay tiêu chí xét duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã không còn phù hợp và có khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế. Năng lực khoa học của các cá nhân và tiềm lực của cơ quan chủ trì chưa được coi trọng khi đánh giá, xét duyệt đề cương nghiên cứu dẫn đến không ít các nhiệm vụ được giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực yếu.
Ngoài ra, do yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án cấp nhà nước chưa được coi là tiêu chí có trọng số cao, đặc biệt là công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, nên nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm nhằm phát triển sản phẩm hoặc ứng dụng công nghệ truyền thống đã không được công bố kết quả thông qua các Hội chợ công nghệ và thiết bị hoặc chưa đăng ký sở hữu trí tuệ. Nội dung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn với nhu cầu sản xuất kinh doanh, chưa có nhiều đóng góp mang tính đột phá cho nền kinh tế của đất nước, tỷ lệ các nhiệm vụ đặt hàng và nhiệm vụ có khả năng thương mại hóa còn thấp...
Nhằm đổi mới phương thức đánh giá, nâng cao chất lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu, sửa đổi quy chế xét duyệt đề tài, dự án khoa học và công nghệ, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực quốc tế. Bộ đổi mới phương thức lựa chọn chuyên gia, nhà khoa học tham gia các hội đồng khoa học để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Đồng thời với xây dựng cơ chế mời chuyên gia phản biện độc lập trong và ngoài nước, sửa đổi những điểm bất cập trong các mẫu phiếu đánh giá, tiêu chí xét duyệt; Bộ quy định rõ yêu cầu về công bố kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Hiện Bộ đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học, về đề tài, dự án khoa học và công nghệ để phục vụ công tác đánh giá, thống kê và quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.../.
Nguyễn Bích Thủy - TTXVN