Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 16/3/2011 21:24'(GMT+7)

70% doanh nghiệp FDI phải chi tiền “lót tay”

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng. Tiếp đến là các tỉnh Lào Cai và Đồng Tháp.

Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có bước tiến ổn định trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của mình. Nếu tính cả Cần Thơ và Long An thì khu vực này có đến 9 tỉnh, thành phố trong tổng số 22 tỉnh thuộc nhóm có thành tích rất tốt và tốt trong xếp hạng năm 2010.

Có tới 6 tỉnh, thành phố năm nay vọt lên hơn 20 bậc, đứng đầu là Quảng Trị từ 46 lên 16. Ngược chiều là Hưng Yên thoái lui 37bậc về gần bét bảng, đứng thứ 3 từ dưới lên.

Các thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM đều giật lùi trong bảng xếp hạng này, trong đó Tp.HCM lần đầu tiên rớt khỏi hạng Tốt xuống Khá với mức giảm 7 bậc. Hà Nội tụt lại 10 bậc, nằm ở giữa bảng xếp hạng Khá.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ở VN nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm nay, có khá nhiều các điển hình về sáng kiến cải cách đáng kể để các tỉnh học tập lẫn nhau.

Tuy vậy, ở một số lĩnh vực vẫn có chuyển biến chưa thật rõ nét tại điều tra PCI năm nay, bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí không chính thức. Đáng lo ngại là các lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian có xu hướng giảm điểm.

Đà Nẵng, Lào Cai, Đồng Tháp được xếp hạng Rất tốt trong năm 2010

Theo kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với năm 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch cũng như văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đều có xu hướng giảm. 

Với thang điểm đánh giá từ 1 đến 5, trong đó 1 là không thể tiếp cận và 5 là rất dễ tiếp cận, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch có điểm trung bình là 2,31%, giảm so với 2,44% của năm 2009 và xuống mức thấp nhất trong 6 năm tiến hành điều tra PCI. Khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật được đánh giá trung bình là 3,05 điểm so với 3,11 điểm của năm 2009, giảm xuống gần với mức năm 2007.

70 % doanh nghiệp FDI phải “lót tay” để làm thủ tục 

Báo cáo điều tra PCI cũng đưa ra số liệu khá lo ngại, có đến 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 20% số doanh nghiệp có chi tiền “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh.

Theo ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù năm 2008 Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những biện pháp quyết liệt để phòng chống tham nhũng nhưng những chi phí không chính thức vẫn là hiện tượng đáng quan tâm. 

“Theo điều tra, 20% các doanh nghiệp FDI phải chi trả những khoản không chính thức trong kinh doanh như bỏ tiền để xin giấy phép…vv... Có tới 70% doanh nghiệp FDI phải “lót tay” để làm thủ tục thông quan… Đặc biệt với những doanh nghiệp có mặt hàng là thực phẩm, nông sản... nếu không được thông quan sớm dễ bị hư hỏng nhanh do vậy tình trạng chi tiền không chính thức còn lớn hơn”, ông Malesky cho biết.

Báo cáo điều tra trong năm 2010 cũng cho thấy, quá trình cải cách thời gian đăng ký kinh doanh có xu hướng chững lại, số ngày doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, hay đăng ký sửa đổi đều dừng ở mức của năm 2009 với lần lượt là 10 ngày và 7 ngày. 

Số giấy tờ doanh nghiệp phải nộp bổ sung tăng lên và kết quả là tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc chính thức hoạt động đã tăng từ 19,35% năm 2009 lên 24,39% vào năm 2010. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng tăng từ 4,44% lên 5,77% trong cùng thời gian trên.

Theo VCCI, tham nhũng đặc biệt tập trung ở các ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao. Điều này góp phần minh chứng nhận định của nhiều nghiên cứu quốc tế cho rằng tham nhũng có xu hướng tập trung ở những nơi nhiều lợi nhuận và quy định khắt khe hơn.

Để khắc phục những hiện tượng tiêu cực trên, đại diện VCCI cho biết, sắp tới VCCI sẽ gửi những thông tin này cho Uỷ ban chống tham nhũng, đồng thời cũng thông báo cho các tỉnh, ngành để có biện pháp xử lý, giải quyết.

Theo tintuconline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất