(TG) - Đó là kết quả thăm dò dư luận xã hội về công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên do Viện Dư luận xã hội phối hợp với Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện vào tháng 7 và tháng 8/2022.
Mẫu khảo sát được chọn theo cách lấy mẫu có chủ định, kết hợp chọn mẫu ngẫu nhiên phân theo địa bàn hành chính. Địa bàn triển khai thu thập thông tin gồm 21 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước như: Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu và một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương.
Tổng số mẫu là 2.550 phiếu, số phiếu thu về hợp lệ để phân tích là 2.506 phiếu, đạt tỷ lệ 98%.
Kết quả điều tra thăm dò cho thấy, 71% ý kiến cho rằng người đứng đầu cơ quan đơn vị rất quan tâm, coi trọng công tác tuyên truyền miệng trong thời gian qua.
Tất cả nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng được đề cập trong phiếu khảo sát đều ghi nhận tỷ lệ đa số đánh giá đã đạt kết quả tốt. Trong đó, nổi bật là các nhiệm vụ có tỷ lệ từ 75% trở lên đánh giá kết quả tốt hơn, cụ thể là:
Công tác tuyên truyền miệng góp phần trực tiếp truyền bá sâu rộng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (83%).
Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong việc định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trước những vấn đề nóng, nhạy cảm (79%).
Công tác tuyên truyền miệng góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội (79%).
Công tác tuyên truyền miệng là một trong những vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch (78%).
Gắn công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gắn với việc nắm bắt, phản án kịp thời tình hình tư tưởng, mong muốn, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (75%).
Cũng theo kết quả khảo sát, hơn 50% số người được hỏi đều đánh giá các hội nghị báo cáo viên các cấp, từ cấp Trung ương đến cấp huyện trong thời gian qua là “đã đáp ứng tốt” những tiêu chí về mặt nội dung và hình thức hội nghị. Cụ thể:
Nội dung bảo đảm thiết thực, kịp thời, phù hợp với đối tượng người nghe: có tỷ lệ đánh giá “đã đáp ứng tốt” đối với hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương là 72%, cấp tỉnh là 71%, cấp huyện là 68%.
Thông tin có nhiều nội dung mới, có tính thời sự: có tỷ lệ đánh giá “đã đáp ứng tốt” đối với hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương là 72%, cấp tỉnh là 67%, cấp huyện là 64%.
Thông tin có tính thuyết phục cao trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: có tỷ lệ đánh giá “đã đáp ứng tốt” đối với hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương là 70%, cấp tỉnh là 66%, cấp huyện là 61%.
Cách thức tổ chức hội nghị bảo đảm phù hợp, hiện đại, dễ tiếp cận: có tỷ lệ đánh giá “đã đáp ứng tốt” đối với hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương là 66%, cấp tỉnh là 64%, cấp huyện là 60%./.
Thu Hằng