Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 27/9/2022 19:0'(GMT+7)

Phát huy vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài trở thành động lực, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TA)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TA)

Chiều ngày 27/9, Hội khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày khuyến học Việt Nam và phát động Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng chủ trì buổi lễ. 

PHÁT ĐỘNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI BẮT ĐẦU TỪ 2/10

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát động

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát động "Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023". (Ảnh: TA)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta.

Cụ thể, Hội đã triển khai thành công Quyết định của Thủ tướng (112/2005/QĐ-TTg (18/5/2005) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, Quyết định 89/QĐ-TTg (9/1/2013) về xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 – 2020) với những Đề án thành phần trong đó do Hội chủ trì và làm nòng cốt xây dựng như: mô hình học tập gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.

Kết quả này trở thành cơ sở vững chắc để Hội và Bộ GD&ĐT triển khai các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập theo Kết luận 49-KL/TW (10/5/2019), Chỉ thị 14/CT-TTg (25/5/2021), Quyết định 1373/QĐ-TTg (30/7/2021)… Từ những văn kiện này, phong trào xây dựng xã hội học tập đang hướng tới hình thành những cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến 2030, chúng ta sẽ có những tỉnh học tập, thành phố học tập, Việt Nam sẽ trở thành nước có xã hội học tập với các mục tiêu cụ thể và sẽ hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu thành phố học tập của thế giới hiện đại.

Mối quan hệ phối kết hợp giữa Hội Khuyến học và các cơ quan, ban ngành ngày càng phát triển. Phong trào học tập suốt đời của người lớn mà Hội đang tập trung thúc đẩy, khuyến khích trong những năm qua đang tạo nên một nền tảng lý luận và thực tiễn về xây dựng hệ thống giáo dục người lớn bên cạnh hệ thống giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp.

Hội hiện có trên 22 triệu hội viên, mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% các địa bàn dân cư và đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác.

Công tác nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Hội các cấp coi trọng, trở thành hoạt động thường xuyên và là phương pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Khuyến tài là một hoạt động được Hội Khuyến học Việt Nam đang phát triển trên quy mô lớn. Hai hướng triển khai chính là Giải thưởng Nhân tài đất Việt và các phần thưởng cho học sinh, sinh viên và người lớn có thành tích học tập xuất sắc.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết thêm, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677 và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình “Công dân học tập” có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển tốt mô hình công dân học tập, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

Ngày 2/10 năm nay sẽ là sự khởi đầu bằng Tuần lễ học tập suốt đời, Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Quang cảnh buổi gặp mặt. (Ảnh: TA)

Quang cảnh buổi gặp mặt. (Ảnh: TA)

ĐỂ CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC TRỞ THÀNH Ý THỨC, TỰ NGUYỆN CỦA MỖI NGƯỜI DÂN, CỘNG ĐỒNG VÀ TOÀN XÃ HỘI

Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương, chúc mừng những thành quả đã đạt được thời gian qua của công tác khuyến học, khuyến tài, mong rằng tinh thần học tập sẽ lan tỏa rộng khắp, tới mỗi cá nhân, từng gia đình, địa phương, trở thành động lực khuyến khích, bồi đắp tinh thần học tập không ngừng của toàn xã hội, góp phần nuôi dưỡng tạo lên nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đi lên của đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của Hội Khuyến học Việt Nam. Từ bước đầu chỉ có tổ chức hội ở 21 tỉnh thành, đến nay Hội đã có hiện diện ở 100% các huyện và trên 98% các xã với hơn 21 triệu hội viên (chiếm hơn 21% dân số cả nước), trở thành lực lượng xã hội đông đảo, lớn mạnh, đi đầu thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

“Cùng với bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới những năm qua, sự nghiệp giáo dục đã đạt được nhiều thành quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nền giáo dục toàn dân được mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, cơ hội học tập cho mọi công dân được mở rộng, quy mô giáo dục tăng nhanh nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề, đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục từng bước được hiện đại hóa, thông tin hóa. Giáo dục thường xuyên, giáo dục ngoài nhà trường được quan tâm và phát triển mạnh mẽ hơn.” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những phong trào, chương trình hành động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực như: Học tập suốt đời, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; Tiếp sức em đến trường; Vì em hiếu học: Chắp cánh ước mơ, ... Các hoạt động này đã bắt nguồn và khơi dậy tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.

Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội, sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bám rễ vào mỗi gia đình, thôn bản và làng xã, cộng đồng dân cư; tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực ngày càng tốt hơn. 

Hội đã thực hiện có hiệu quả, cấp học bổng đúng mục tiêu, địa chỉ cho hàng chục nghìn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh thành phố, vận động lực lượng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa trường học, nhà nội trú, giúp giáo viên bám lớp, bám trường. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ thực trạng công tác giáo dục, phát triển nguồn lực con người gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước những năm tới đây đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới đối với công tác khuyến học. Tôi cho rằng trước hết cần bám sát, làm theo, thực hiện tốt những bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, về tầm quan trọng của công tác giáo dục và sự nghiệp trồng người, công tác khuyến học trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh nhân dân, được triển khai đồng bộ, trở thành ý thức, giá trị hướng đến và có sự tham gia của mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Cần tiếp tục phát huy vai trò công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Công tác khuyến học bên cạnh việc chú trọng làm lan tỏa theo chiều rộng, cần gắn với nâng cao chất lượng theo chiều sâu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, mở rộng tăng cường số lượng thành viên tham gia để làm lan tỏa, truyền tải, hình thành nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới, học suốt đời, học đi đôi với hành, học gắn với phát triển hoàn thiện năng lực phẩm chất của mỗi cá nhân, học gắn đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh, tình hình đổi mới xây dựng đất nước, đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực cao đang đặt ra bức thiết gắn với mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến những năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi gặp mặt, Hội khuyến học Việt Nam cũng thông tin về kế hoạch tổ chức giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023, với chủ đề “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang và mỗi người dân quán triệt và thực hiện thường xuyên hơn, tốt hơn nữa Kết luận 49 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và  Quyết định 1373 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập.

Gắn với hội nghị kỷ niệm ngày khuyến học, Hội khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tiếp tục phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với chủ đề “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo”. Trải qua 16 kỳ Giải thưởng đã có tác động to lớn đến phát hiện, tôn vinh tài năng, nhiều sản phẩm, công trình có giá trị đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và cả nước.

Nhật Minh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất