(TG)-Viettel đã hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mã vùng mới cho 13 tỉnh, thành
phố thuộc giai đoạn 1 và khai báo trên toàn bộ mạng lưới với gần 72
triệu thuê bao di động, cố định có dây, cố định không dây đang hoạt
động.
Viettel cho biết, với công tác chuẩn bị kỹ càng
và nỗ lực triển khai trong đêm, đến rạng sáng ngày 11/2/2017, Viettel
đã hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mã vùng cố định cho 13 tỉnh, thành phố
thuộc giai đoạn 1. Để thực hiện kế hoạch này, Viettel huy động các nhân
sự kỹ thuật có kinh nghiệm để triển khai tập trung và đồng loạt trên
tất cả các hệ thống, tổng đài.
Ông Lưu Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Viettel
Networks cho biết, mặc dù giai đoạn 1 chỉ chuyển đổi mã vùng về cố định
của 13 tỉnh, thành phố nhưng Viettel phải khai báo tổng thể trên toàn bộ
mạng lưới với gần 72 triệu thuê bao di động, cố định có dây, cố định
không dây đang hoạt động với tất cả các hướng kết nối bao gồm nội mạng,
ngoại mạng và quốc tế.
Ngay trong rạng sáng ngày 11/2, toàn bộ việc
chuyển đổi và kiểm tra sau chuyển đổi tại 13 tỉnh/TP đã hoàn thành, đảm
bảo nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng Viettel bắt đầu từ 11/2/2017.
Dù đã chuyển đổi thành công, Viettel vẫn tiếp
tục duy trì lực lượng kỹ thuật 24/7 để đảm bảo chất tốt nhất lượng dịch
vụ cho khách hàng. Khách hàng Viettel có thể gọi miễn phí Tổng đài
18008098 để được tư vấn, hỗ trợ 24/24.
Trước đó, Viettel đã hoàn tất xây dựng giải
pháp điều chỉnh các ứng dụng trên hệ thống kỹ thuật của toàn bộ mạng cố
định, di động của Viettel. Để thực hiện cho việc đổi mã vùng mới, ngày
4/2/2017, Viettel hoàn thành giai đoạn thử nghiệm việc triển khai đổi mã
vùng điện thoại cố định trong nội mạng cũng như phối hợp với các doanh
nghiệp viễn thông thử nghiệm việc chuyển đổi định tuyến, cài âm thông
báo tại một số tỉnh dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 1. Kết quả thử
nghiệm đều thành công và đảm bảo sẵn sàng cho việc thực hiện chuyển đổi
theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT.
Trong các giai đoạn chuyển đổi, khách hàng của
Viettel có thể quay song song cả mã tỉnh mới và mã tỉnh cũ trong thời
gian 30 ngày, sau đó, khách hàng tiếp tục được truyền thông về mã vùng
mới trong vòng 30 ngày. Trước đó, từ ngày 11/12/2016, Viettel chủ động
thông báo về lộ trình thay đổi mã vùng điện thoại trên website chính
thức www.viettel.com.vn. Đồng thời, từ ngày 23/1/2017 Viettel đã nhắn
tin cho hơn 60 triệu khách hàng dùng điện thoại di động và gửi thông báo
trực tiếp đến các thuê bao điện thoại cố định, khách hàng là doanh
nghiệp sử dụng dịch vụ của nhà mạng trên toàn quốc.
Ngoài ra, Viettel dự kiến cung cấp cho khách hàng tính năng tự động cập nhật đổi mã vùng mới trên ứng dụng My Viettel.
Hiện Viettel là doanh nghiệp viễn thông có thị
phần dịch vụ cố định đứng thứ 2 sau VNPT. Hai đối tượng khách hàng thực
hiện việc chuyển đổi này là khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố
định hữu tuyến (điện thoại cố định) và điện thoại cố định vô tuyến (điện
thoại Home Phone).
Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho
biết, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định là để tạo kho số cho
phát triển thông tin di động và xu hướng vạn vật kết nối. Bên cạnh đó,
việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần này không phải là đổi số
thuê bao mà khách hàng đang sử dụng hiện nay. Ví dụ, số cố định tại Hà
Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới
(24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi
nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố) sẽ
không có gì thay đổi.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, các cuộc gọi liên
tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng
mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi đó, phải
thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. Ví dụ: nếu gọi từ di động vào số cố
định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số
04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng ta quay số 024.23456789. Nghĩa là
chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số.
Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đem
lại lợi ích mà người dân và xã hội đó là khi chuyển đổi mã vùng, các
tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng, mở ra cơ
hội sau này khi có điều kiện có thể dễ dàng thực hiện giảm các vùng cước
từ 63 vùng cước như hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng cước. Khi đó,
người dân được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng nhóm mã vùng sẽ chỉ
phải trả cước nội hạt thay vì trả cước liên tỉnh như hiện nay./.
TG