Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 10/12/2008 8:31'(GMT+7)

Cần chính sách tín dụng mạnh bạo hơn

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

** Phóng viên: Mới đây, 5 nhóm giải pháp nhằm đối phó và ngăn chặn suy giảm kinh tế nước ta đã được công bố. Ông có đánh giá gì đối với động thái này từ phía Chính phủ, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Trước hết phải thấy rằng, Chính phủ đã nhận thức và đánh giá chính xác vấn đề do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước cũng đang dần hiện hữu chứ không chỉ còn là nguy cơ.

Các nhóm giải pháp vừa được đưa ra là toàn diện. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự mạnh bạo hơn nữa trong chính sách tín dụng và thuế. Đây chính là hai công cụ mà Chính phủ hoàn toàn chủ động trong thực hiện.

** PV: Trong nhóm giải pháp thứ ba đã nêu khá rõ, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Tiếp tục hạ lãi suất cơ bản và cho phép các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng nhân dân cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Theo ông, những điều này vẫn còn “rào cản”?

Ông Bùi Kiến Thành: Trên thực tế, với mức lãi suất cao đã có lúc lên tới 21%/năm, thì không phải là hạn chế tín dụng mà là khóa chặt tín dụng. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất hoặc đóng cửa.

Gần đây, mức lãi suất cơ bản đã liên tục được điều chỉnh giảm nhưng ngay cả với mức là 10%, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cạnh tranh.

Hiện trên thế giới lãi suất chiết khấu và cấp vốn cho các ngân hàng chỉ từ 0,3% (Nhật Bản) và 1% (Mỹ), các ngân hàng châu Âu cũng chỉ ở mức 2-3%. Với lãi suất đó, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa cũng chỉ khoảng 5-6%.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các doanh nghiệp lại phải vay vốn với mức lãi suất cao thì rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên xóa hẳn lãi suất cơ bản mà chỉ còn lãi suất chiết khấu và lãi suất cung cấp vốn.

Theo đó, người đi vay và ngân hàng có thể thỏa thuận trực tiếp với nhau. Đây chính là nỗ lực cao nhất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bên cạnh các chính sách về thuế.

** PV: Nhưng để có được mức lãi suất như các nước trên thế giới, theo ông Chính phủ cần có những chính sách gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Nhà nước quản lý tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng Nhà nước không phải huy động vốn trong dân mà có quyền phát hành tín dụng.

Như vậy, ngân hàng Nhà nước có thể đề ra mức lãi suất chiết khấu thấp để các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay cũng với mức lãi suất thấp. Ngân hàng thương mại cho vay rồi đem lại chiết khấu cho ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc cung cấp vốn, các ngân hàng thương mại sẽ phải chụi trách nhiệm giám định và thu hồi vốn. Nhưng để thực hiện được điều này cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề quản lý để tránh xảy ra tiêu cực.

** PV: Với rất nhiều việc Chính phủ sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, liệu với  nguồn tài chính khoảng 1 tỷ USD có thể đủ để đảm bảo thực hiện các  giải pháp trên?

Ông Bùi Kiến Thành: Nguồn tài chính trên đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Nhưng cũng chỉ nên hiểu đó là mồi nước nhằm tạo lực cho sự hoạt động của chiếc máy bơm. Vấn đề chính là chiếc máy bơm sẽ hoạt động như thế nào. Căn cứ vào những điều này, cộng thêm với những nghiên cứu, phân tích dự báo cụ thể vẫn có thể có những sự điều chỉnh tiếp theo.

** PV: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, liệu chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% của nước ta năm nay có giữ được, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: GDP 6,5%/năm là mức tăng trưởng để giải quyết công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động có nhu cầu về việc làm hàng năm. Trong đó, 1,3 triệu là lao động mới vào thị trường và khoảng 1,2 triệu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang.

Nếu hàng năm không giải quyết được việc làm cho đội ngũ lao động này  không chỉ là vấn đề an sinh xã hội mà còn là vấn đề an ninh xã hội.

Chính phủ vẫn thống nhất giữ chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay là khoảng 6,5% là một quyết tâm rất cao. Nhưng nếu không có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn đối với chính sách tín dụng như hiện nay thì cũng khó có thể đạt được chỉ tiêu này.

Thúy Nhung -VOV

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất