Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 28/6/2009 15:24'(GMT+7)

80% lao động thất nghiệp có việc làm

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lưu ý các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ trước khi sa thải hoặc cắt giảm lao động.

Theo báo cáo của 48 sở LĐ-TB&XH, quý I/2009 có 1.264 doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, 64.897 lao động mất việc làm, chiếm 10% tổng số lao động trong các doanh nghiệp (DN). Một số tỉnh, thành phố có số lao động mất việc làm cao là TP. Hồ Chí Minh 15.548 người, TP. Hà Nội 13.245 người, Bình Dương 8.002 người… Các ngành có số lượng lao động mất và thiếu việc làm nhiều là: dệt may, da giày, chế biến hải sản, chế biến nông sản, xây dựng, công nghiệp ô tô, điện tử, kinh doanh địa ốc và chủ yếu rơi vào các DN sản xuất hàng xuất khẩu hoặc có nguyên liệu nhập khẩu từ các DN nước ngoài.

Ở khu vực nông thôn, theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố, quý I/2009 có 30.594 lao động ở các làng nghề mất việc. Một số tỉnh, thành có lao động nông thôn mất việc làm cao là: Thái Bình 6.427 người, Bắc Ninh 6.150 người… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tính đến nay có trên 7.000 lao động phải về nước trước thời hạn, dự báo số lao động bị mất việc phải về nước trước thời hạn năm 2009 có thể lên tới 10.000 lao động. Cục Việc làm dự báo, năm 2009, cả nước có khoảng 300.000 lao động mất việc làm.

Tuy nhiên, theo Cục Việc làm, hiện có trên 80% số lao động mất việc làm đã tìm được việc làm mới, điển hình như tỉnh Bình Dương  đạt 95%, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đạt trên 80%. Hiện tại, nhiều DN vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lap động. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, số lao động mất việc làm là 15.548 người nhưng nhu cầu tuyển dụng lên tới 61.000 người; tỉnh Bình Dương có 8.002 người mất việc nhưng số lao động cần tuyển là 41.600 người…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm trong các DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Mặc dù chính sách này đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/2/2009, nhưng theo ông Đinh Quang Trung, Giám đốc Trung tâm khách hàng (Ngân hàng Phát triển Việt Nam), hiện tại ở nhiều địa bàn, Sở Tài chính vẫn chưa tổ chức xác nhận cho DN do trông chờ Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn nên DN chưa vay được vốn. Qua khảo sát cho thấy, nhiều DN không có ý định tiếp cận nguồn vốn vay này vì sợ ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu. Trong khi đó, một số DN gặp khó khăn phải cắt giảm lao động nhưng chưa đủ số lượng lao động theo quy định, cũng không đủ điều kiện vay vốn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, các địa phương nên tăng cường thông tin thị trường lao động, chắp nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống các trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường việc giám sát thực hiện pháp luật lao động của các DN, nhất là việc thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đảm bảo thực hiện đúng quyền lợi cho người lao động bị mất việc, thôi việc.

Với các làng nghề, ông Tạ Công Thanh, Chủ tịch UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội kiến nghị: “Trong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến sản xuất kinh doanh và lao động, cần quy định điều kiện được hỗ trợ riêng với làng nghề bởi trên thực tế, nhiều chính sách chưa đến được với làng nghề do còn thiếu các điều kiện để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn giảm thuế đất cho DN trong thời gian kinh tế toàn cầu suy giảm”./.

VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất