Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 12/12/2008 21:33'(GMT+7)

85% sinh viên đạt yêu cầu “đầu ra”!

Bản dự thảo lần này đã được các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, giám đốc các sở GD&ĐT trong cả nước và các nhà giáo lão thành, nhà khoa học... nhiều lần đóng góp ý kiến.

Cần chú trọng phát triển giáo dục mầm non

Mục tiêu của giáo dục mầm non là từ nay đến năm 2015, cả nước có khoảng 95% trẻ 5 tuổi qua lớp mẫu giáo, chuẩn bị vào lớp 1. Con số này là 98% vào năm 2020. Mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được phát triển, bảo đảm đến năm 2010 có 80%, năm 2015 có 95% và năm 2020 có 100% số xã, phường có trường, lớp mầm non. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ đến năm 2020 sẽ có những chuyển biến cơ bản, trẻ được phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ với 90% số trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phát triển, tỉ lệ suy dinh dưỡng dưới mức 10%.

Đối với giáo dục tiểu học, sẽ phấn đấu 60% số học sinh đạt yêu cầu quốc gia về đọc hiểu vào năm 2010, 75% vào năm 2015 và tăng dần ở những năm tiếp theo. Năm 2020, sẽ có 70% số học sinh được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3 và đạt mức độ 1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế...

Theo GS-TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa cho phát triển giáo dục mầm non và cấp tiểu học bởi đây là những cấp học phát hiện năng khiếu và phát huy khả năng học tập suốt đời của một con người.

Liệu có lãng mạn?

Đối với giáo dục ĐH, sẽ nâng tỉ lệ 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2010, 300 sinh viên/vạn dân vào năm 2015 và 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020. Quy mô đào tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập sẽ được mở rộng, phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉ lệ sinh viên trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 40% tổng số sinh viên cả nước. Mục tiêu là tới năm 2020 sẽ phải có ít nhất 5 trường ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường ĐH đứng trong danh sách 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Sinh viên phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc sau khi tốt nghiệp. Cũng đến năm 2020, có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH hàng đầu trong khối ASEAN, 85% số sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc...

Sau khi được Bộ GD&ĐT công bố, bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2008-2020 sẽ được đăng tải rộng rãi để “cả xã hội tham gia ý kiến, hoạch định đường đi của nền giáo dục Việt Nam”. Được biết, bản dự thảo này đã bị hoãn công bố 2 lần vì không ít ý kiến chưa đồng tình về mục tiêu, số liệu. Theo Hội Cựu giáo chức Việt Nam, một số chỉ tiêu trong dự thảo giáo dục mang tính “lãng mạn”, thiếu khả thi vì chưa rõ điều kiện thực hiện.

30% học sinh học nghề sau tốt nghiệp THPT

Với bậc học phổ thông, ngành giáo dục đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có 63/63 tỉnh, TP đạt chuẩn phổ cập bậc THCS, trong đó có 70% phổ cập đúng độ tuổi và đến năm 2020 sẽ đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% số thanh niên Việt Nam trong độ tuổi đạt trình độ học vấn tương đương THPT. Ở giáo dục thường xuyên, năm 2010 phấn đấu tăng tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 trở lên đạt 96%, đến năm 2015 là 97% và 98% vào năm 2020. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của giáo dục nghề nghiệp là đến năm 2020 có khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp THPT được học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

(Theo VnMedia)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất