(TCTG)- Trong khi những rủi ro của cuộc chiến chống Al-Qaida vừa mới được tô đậm thêm bởi âm mưu khủng bố hôm 25/12/2009 trên một chiếc máy bay hành trình từ Amsterdam tới Detroit, sau đó là cuộc tấn công tự sát ly kỳ hôm 30/12 nhắm vào một căn cứ của CIA tại Khost, Afghanistan thì cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị nhóm họp về chủ đề Afghanistan.
Đến nay, chiến dịch của liên minh quốc tế do Liên Hợp Quốc uỷ nhiệm đã bước sang năm thứ 9. Một hội nghị quốc tế dự kiến sẽ diễn ra ngày 28/1 tại Luân Đôn nhằm hàn gắn lại mối quan hệ phức tạp giữa tổng thống Afghanistan Hamid Karzaï, tái cử tháng 11/2009 với nhiệm kỳ 5 năm, và chính phủ các nước phương Tây, đang tìm cách ổn định đất nước trước sự gia tăng các hoạt động nổi dậy của quân Taliban.
Tuy nhiên, sự do dự đang tấn công hội nghị. Được thông báo từ tháng 11/2009 bởi Thủ tướng Anh Gordon Brown, đang trong chiến dịch tranh cử, theo một số chuyên gia, hội nghị bị coi là quá sớm bởi quyết định tăng cường thêm quân của Tổng thống Barack Obama mới đây đã bắt đầu được thực thi. Các nhà ngoại giao tự hỏi: “chính xác chúng ta sẽ thảo luận những gì?” và “không nước nào có thêm tiền rót vào đó”.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra: Liệu ông Karzaï sẽ thành lập xong chính phủ trước ngày đó không? Việc này rất quan trọng đối với các nước phương Tây, hơn bao giờ hết mong muốn nhận được từ ông những cam kết “điều hành hiệu quả” và chống “tham nhũng”. Hôm 03/1, Quốc hội Afghanistan đã phủ quyết 2/3 số bộ trưởng mà ông Karzai đề xuất. Các nhà ngoại giao tự hỏi liệu nhà lãnh đạo Afghanistan này có sử dụng lý do trên để các nước phương Tây giảm sức ép lên ông không.
Cái được mất đối với những nước đối tác của Afghanistan là việc tái hợp thức hoá quan hệ với một vị tổng thống mà sự tái cử của ông diễn ra trong những điều kiện rối loạn: gian lận phiếu ở vòng đầu, huỷ bỏ kết quả ở vòng hai. Một nguồn tin châu Âu bình luận: “sau màn kịch bầu cử, sự nắm giữ quyền lực của ông Karzaï có một chút hão huyền”. Sự hỗ trợ của công luận phương Tây còn đang đặt trên bàn cân.
Từ năm 2001, các hội nghị quốc tế về Afghanistan được tổ chức nối tiếp nhau với nhịp độ trung bình một năm/lần. Hội nghị tại Luân Đôn có nét đặc biệt khi diễn ra vào đúng thời điểm Mỹ quyết định bổ sung thêm 30.000 quân, sẽ được triển khai từ nay tới mùa hè (thêm vào đó có sự đóng góp của các nước khác: 10.000 quân, trong đó có 7.000 thuộc NATO), để đưa quân số của lực lượng quốc tế tại đây lên trên 130.000 quân.
Pháp và Đức chưa đưa ra câu trả lời. Liệu sẽ có lời đáp trong hội nghị lần này? Mỹ yêu cầu Paris gửi thêm 1.500 quân. Đến nay Pháp đã gửi tới Afghanistan 3.750 quân. Theo nguồn tin của chúng tôi, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ cố gắng gửi tới khoảng một nửa số Mỹ đề nghị, tức từ 600-700 quân.
Ý tưởng của Pháp là gửi các sỹ quan huấn luyện khác để tăng cường sự hiện diện của cảnh sát Pháp tại Afghanistan (ngày nay có 150 người) phụ trách đào tạo lực lượng cảnh sát Afghanistan, cũng như gửi thêm khoảng 200 quân phục vụ các chiến dịch quân sự. Việc tăng cường quân trên được giới quân sự Pháp mong muốn.
Paris dường như muốn biết dự định của Đức trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tại Đức, dư âm chính trị của vụ không kích nhằm vào lực lượng Taliban hồi đầu tháng 9/2009 tại tỉnh Kunduz đã khiến hơn 140 người thiệt mạng, trong đó đa phần là dân thường, làm phức tạp hồ sơ Afghanistan đối với Thủ tướng Angela Merkel.
Nhìn chung, những tháng qua, cuộc thảo luận tập trung vào số lượng quân tăng viện đã làm dấy lên những mối lo ngại bởi có hại cho việc tái thiết và có nguy cơ gây ra những tổn thất mới cho người dân Afghanistan.
Theo Liên Hợp Quốc, trong số 2.021 dân thường thiệt mạng trong 10 tháng đầu năm 2009 thì có gần 1.400 người chết trong các cuộc tấn công của Taliban và 465 người chết trong các chiến dịch của liên quân. Nếu không có những tính toán chính trị, Tổng thống Karzaï sẽ tiếp tục chỉ trích liên quan những tổn thất về người mà lực lượng NATO gây ra.
Ông Kai Eide, đại diện đặc biệt của LHQ tại Afghanistan cảnh báo: “điều quan trọng hàng đầu là các cuộc tấn công quân sự không được nhắm vào các mục tiêu dân sự”. Ông phát biểu trước Hội đồng bảo an: “không điều chỉnh lại chiến lược, chúng ta sẽ thất bại”.
2009 là năm tổn thất nhất đối với lực lượng liên quân. Chất lượng thông tin tình báo mà NATO thu được trên bộ vừa mới bị tướng Michael Flynn, chỉ huy quân đội tại Kaboul đả kích. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner khẳng định: “điểm mạnh” của các nhóm quân Pháp là “biết nói chuyện với người dân Afghanistan, họ tin chúng tôi”. Paris coi việc tổ chức hội nghị quốc tế tiếp theo vào mùa xuân tại Kaboul sẽ cho phép khẳng định rõ hơn thiện chí chuyển dần quyền lãnh đạo cho người Afghanistan.
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)