Sau lễ cầu nguyện buổi trưa, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ phe Hồi
giáo đã tham gia ba cuộc tuần hành lớn và kéo đến tập trung trước cửa Tòa án
Tối cao tại trung tâm Cairô đòi "làm trong sạch các cơ quan tư pháp," sửa đổi
Luật về các cơ quan tư pháp theo, thu hồi các tài sản của nhà nước bị đánh cắp
và xét xử những người tham gia sát hại người biểu tình trong làn sóng chính biến
ngày 25/1/2011.
Những người biểu tình trưng các biểu ngữ và hô khẩu hiệu ủng hộ tổ chức
Anh em Hồi giáo, phản đối cựu Tổng công tố Abdel Meguid Mahmoud, người vừa được
Tòa án yêu cầu phục chức, và các thẩm phán thời cựu Tổng thống Hosni Mubarack.
Mục đích của cuộc biểu tình rầm rộ này là nhằm phản ứng trước
những phán quyết mới đây của tòa án về việc tha bổng cho các quan
chức dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarack.
Ngoài tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi,
cuộc biểu tình còn thu hút sự tham gia của nhiều đảng phái và phong trào Hồi
giáo khác như Mặt trận Salafist Al-Asala, Al-Raya, Al-Watan, Al-Gamaa
Al-Islamiya, Cải cách và Nhân dân. Tuy nhiên, đảng Salafist El-Nour, lực lượng
Hồi giáo lớn thứ hai tại Ai Cập sau tổ chức Anh em Hồi giáo, không tham gia cuộc
biểu tình.
Các cuộc đụng độ dữ dội nổ ra vào cuối giờ chiều khi những người biểu tình
đối lập, trong đó có các thành viên thuộc "Khối Đen" kéo từ quảng trường Tahrir
sang khu vực Tòa án Tối cao và phóng hỏa thiêu rụi các xe buýt chở những người
biểu tình Hồi giáo. Hai bên dùng gạch đá và gậy gộc tấn công lẫn nhau, thậm
chí một vài người biểu tình thuộc phe Hồi giáo còn ném lựu đạn hơi cay và nã
đạn về phía đối phương.
Khoảng một giờ sau đó, các xe bọc thép của Lực lượng an ninh trung ương
mới được triển khai đến hiện trường và bắt đầu bắn đạn hơi cay để giải tán đám
đông. Vào tối cùng ngày, đụng độ tiếp tục bùng phát trên một số tuyến phố tại
trung tâm Cairo.
Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình đối lập cũng tổ chức biểu tình
tại quảng trường Tahrir để phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo và việc xét xử các
thành viên thuộc phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư," đồng thời đòi lật đổ
chính quyền Hồi giáo, cách chức Tổng công tố, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội
vụ, tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn và bổ nhiệm nội các mới.
Cùng ngày, các cuộc biểu tình chống lực lượng Anh em Hồi giáo và đụng độ
cũng nổ ra tại một số tỉnh thành khác, trong đó có Alexandria, thành phố lớn thứ
hai Ai Cập, và các tỉnh Sharqiya, Daqahliya.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế Ai Cập, ít nhất 95 người đã bị thương,
trong đó có 4 người trúng đạn. Ngoài việc phóng hỏa thiêu rụi ba xe buýt, người
biểu tình còn phá hoại các thiết bị truyền phát sóng của kênh truyền hình vệ
tinh "Al Arabiya" (Arập Xêút).
Phản ứng trước các vụ đụng độ bạo lực nói trên, Bộ Nội vụ Ai Cập đã ra
tuyên bố kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị không sử dụng bạo lực và tránh
đổ máu, đồng thời cho biết "đang làm hết sức mình để tránh vụ việc này leo thang
hơn nữa."
Cuộc biểu tình diễn ra vài ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) đồng ý cho Ai Cập tiếp nhận khoản vay trị giá 4,8 tỷ USD để khôi
phục nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn của nước này. Tuy nhiên,
khoản vay của IMF cũng đi kèm với những điều kiện cải cách chính trị
đáng kể, trong khi chính phủ của ông Morsi vẫn chưa đạt được sự thống
nhất trong việc tiếp nhận gói tài chính này./.
Theo TTXVN