Hôm 19/4, nước Cộng hòa Serbia và tỉnh
ly khai Kosovo đã đạt được sự thống nhất cơ bản đối với bản Hiệp định
bình thường hóa quan hệ.
Cuộc đàm phán với sự tham gia của Thủ
tướng Serbia Ivica Dacic, người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci
và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên
minh châu Âu (EU) Catherine Ashton.
Phát biểu sau vòng đàm phán thứ 10,
Người đứng đầu chính quyền Kosovo Haxim Thaci nói: “Hiệp định này khởi
đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa giải và hợp tác. Hiệp định
này giúp chúng tôi hàn gắn vết thương của quá khứ nếu chúng ta có sự
hiểu biết và kiến thức để thực hiện trên thực tế”.
Thủ tướng Serbia Ivica Dacic cho biết,
trong bản Hiệp định có sửa đổi điều 14 đó là Serbia không cản trở việc
Kosovo gia nhập các tổ chức quốc tế được sửa thành là Serbia không được
ngăn cản Kosovo gia nhập Liên minh châu Âu.
Ông Dacic cũng cho biết, ông chưa ký
chính thức vào bản Hiệp định, do vậy sau này một trong hai bên có thể từ
chối hoặc chấp nhận bản Hiệp định này. Serbia sẽ thông báo cho bà
Catherine Ashton biết quyết định của mình vào ngày 22/4 tới.
“Sau 10 vòng đàm phán, bà Catherine
Ashton đã cấp cho chúng tôi bản tài liệu cuối cùng mà hai bên sẽ xem
xét trong những ngày tới,” ông Dacic nói. “Tôi thay mặt đoàn đàm phán
của Serbia đã ký tắt đề xuất này. Hai bên sẽ phải nói là đồng ý hay từ
chối đối với bản đề xuất trong những ngày tới”.
Bà Ashton cũng hy vọng sẽ có một thỏa
thuận được ký trước hội nghị ngoại trưởng EU vào ngày 22/4 tới, trong đó
nhiều khả năng sẽ thảo luận vấn đề liệu Serbia có sẵn sàng bắt đầu đàm
phán gia nhập EU hay không.
Theo dư luận, khó khăn chính vẫn là vấn
đề tự trị cho các đơn vị hành chính của người thiểu số Serbia ở Kosovo.
Cả hai bên trước đó đã đồng ý thiết lập một thể chế hợp nhất các đơn vị
hành chính của người Serbia tại Kosovo, tuy nhiên chính quyền Kosovo từ
chối đảm bảo quyền về hành pháp và lập pháp cho thể chế này theo yêu cầu
của Serbia, quốc gia vẫn kiên quyết không công nhận nền độc lập của
Kosovo.
Kosovo vốn là một tỉnh tự trị của
Serbia. Sau cuộc chiến vào tháng 6/1999, Kosovo do Liên hợp quốc tạm
thời tiếp quản. Vào tháng 2/2008, Kosovo tự tuyên bố độc lập và được một
số quốc gia như Mỹ và phương Tây công nhận, nhưng Serbia vẫn khẳng định
chủ quyền đối với Kosovo.
Hiện Serbia mong muốn được gia nhập Liên
minh châu Âu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu ra điều kiện, rằng để được
gia nhập thì Serbia phải công nhận chủ quyền của Kosovo hoặc bình thường
hóa quan hệ với Kosovo.
Nếu trước ngày 22/4, hai bên không ký
Hiệp định bình thường hóa quan hệ thì cánh cửa gia nhập Liên minh châu
Âu của Serbia sẽ bị đóng vô thời hạn. Còn nếu hai bên ký kết Hiệp định,
thì Liên minh châu Âu sẽ khởi động việc đàm phán gia nhập EU của Serbia
trong cuộc họp thượng đỉnh của khối này vào tháng 6 tới .
Các cuộc đàm phán do EU làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ Serbia-Kosovo bắt đầu từ tháng 3/2011./.
Theo VOVnews