(TCTG)- Tại Irak, Afghanistan, Liên minh Arập Maghreb, tổ chức khủng bố trên vẫn còn hoạt động, song đã thất bại trong thực hiện âm mưu phổ biến thánh chiến "djihad". Giáo sư Jean-Pierre Filiu, một trong những người am hiểu về phong trào này sẽ phân tích chiến lược và những mặt trái của Al-Qaeda.
Liệu sự kiện những người Hồi giáo dòng Sunni bỏ qua những lời kêu gọi tẩy chay và tham gia đông đảo vào các cuộc bầu cử mới đây ở Irak có phải là dấu hiệu cuối cùng đánh dấu sự yếu kém của tổ chức do Oussama ben Laden lãnh đạo?
Giáo sư Jean-Pierre Filiu (Đại học Sciences po Paris) tin là như vậy. Tổ chức chịu trách nhiệm về các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, bị đe doạ xoá sổ, là nạn nhân trống rỗng về tinh thần và tệ nạn bè phái.
Ngày nay Al-Qaeda còn bao nhiêu thành viên?
Khoảng từ 1.000 - 2.000 người. Đó là một tổ chức được tuyển chọn chặt chẽ, có các thành viên tài năng. Họ được coi là đội quân tiên phong, một tổ chức thiểu số nắm giữ chân lý trước một thế giới đạo Hồi chìm ngập trong bóng tối của dốt nát và tội lỗi.
Nguồn gốc ý tưởng của họ là gì?
Trước tiên, đó là một giáo phái. Oussama ben Laden là thủ lĩnh tinh thần trong khi Ayman al-Zawahiri người Ai Cập là nhân vật số hai. Cuối cùng, internet đóng vai trò chuyển tải. Thông điệp của Al-Qaeda không bao giờ được chuyển đi bởi tập thể, Al-Qaeda cũng không tổ chức các hội nghị hay các cuộc họp. Công tác tuyển mộ được thực hiện qua internet tới những cá nhân riêng biệt. Tổ chức sẽ cố gắng phi xã hội hoá hoàn toàn nhân sự bằng cách làm cho họ cách ly với người thân, cùng lúc đó sẽ nhồi nhét tư tưởng cấp tiến cho họ. Bài giảng của họ hoàn toàn mang tính chính trị: họ bàn về đội quân thập tự chinh, về nhà tù Guantanamo hay nhà tù Abou Ghraib ở Irak. Trong khi đó sẽ kèm với một số lời dạy trong kinh Coran. Thực tế đây là một thứ tôn giáo thế thân, trong đó tín điều thật đơn giản: thánh chiến được coi như kết cục tất yếu. Điều mới lạ chính ở điểm này.
Tại sao vậy?
Như giáo lý đạo Hồi đã ghi, thánh chiến là một phương tiện: đó là một nỗ lực mà tín đồ phải hoàn thành để đạt được mục đích. Trước Al-Qaeda, những người Hồi giáo dòng Kharidjite là nhóm duy nhất tuyệt đối coi thánh chiến là trụ cột. Giáo phái đã tiến hành li khai ngay từ những năm đầu tiên của đạo Hồi vào thế kỷ thứ 7. Tóm lại, một số hoạt động của Al-Qaeda nhắc lại những hoạt động của những nhóm cực tả những năm 1970.
Theo tinh thần của Al-Qaeda, thánh chiến nhằm phục hưng quốc gia đạo Hồi và hướng quốc gia đó đi theo con đường của mình...
Đúng, đó là ý tưởng cơ bản. Những người đạo Hồi đã tuyệt vọng, cần phải bắt phục tùng, tẩy uế họ..... Đó là thông điệp của Zawahiri.
Liệu không phải Al-Qaeda thừa hưởng tư tưởng của Sayyed Qotb (1906-1966), cha đẻ của chủ nghĩa đạo Hồi chính trị?
Mối liên hệ với Sayyed Qotb hiện hữu qua ý tưởng của tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên là “Takfir” khi những người Hồi giáo bị lên án như những “kẻ dị giáo” cần loại bỏ. Ben Laden thời niên thiếu được nuôi dưỡng bởi dòng đạo Hồi Wahhabism ở Arập Xêút, sau đó theo đuổi những khoá học do những người anh em của Qotb giảng và thời gian đầu đã gia nhập tổ chức Những người anh em Hồi giáo. Tiếp đó phải kể đến ảnh hưởng của Abdallah Azzam, phụ tá của Qotb và là người sáng lập khái niệm thánh chiến toàn cầu. Trong những năm 1980, Ben Laden đã cố gắng thuyết phục các nước Arập chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô tại Afghanistan. Ông coi đó là một nghĩa vụ tôn giáo và cá nhân khi sử dụng những biện luận tinh tế. Vào thời đó, Azzam đánh giá vào giai đoạn cuối của cuộc thánh chiến, các nước Arập sẽ chiến thắng tại Afghanistan.
Nhưng Ben Laden và Zawahiri đã đi xa hơn bằng cách phát triển ý tưởng một cuộc thánh chiến trừu tượng, tách ra khỏi mọi cuộc chiến tranh vì lãnh thổ ngay sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi. Chính vào thời điểm đó, Al-Qaeda đã thực sự trở thành một môn phái. Sự bấp bênh trở nên rõ nét hơn sau khi Ben Laden quay trở lại Afghanistan năm 1996 và tháng 2/1998 thành lập một ‘‘Mặt trận Hồi giáo toàn cầu để tiến hành thánh chiến chống lại người Do Thái và Thiên chúa giáo’’. Thánh chiến sẽ phổ biến toàn cầu và Zawahiri không do dự tuyên bố rằng cuộc thánh chiến này 50% là diễn ra qua các phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những nhân vật chính liên quan sự chuyển tiếp của Al-Qaeda sang thánh chiến ảo trên internet là Youssef el-Ayyiri, cận vệ cũ của Ben Laden. Trong cuộc chiến tại Chesnia, Youssef el-Ayyiri đã đạt được một số kinh nghiệm thực sự về quản trị mạng. Youssef el-Ayyiri thiệt mạng năm 2003 nhưng đã để lại cho Al-Qaeda các phương tiện gây ảo tưởng về sức mạnh của phong trào nhờ vào mạng internet.
Internet phục vụ cho những mục đích gì?
Internet là phương tiện trung gian tuyên truyền học thuyết và tổ chức. Al-Qaeda là cơ sở dữ liệu của một cộng đồng các thành viên được lựa chọn và các chiến binh ảo; những người này bao gồm các chiến binh độc lập, họ liên lạc với nhau thông qua các máy tính đứng tên người khác. Internet đồng thời cũng rất hiệu quả trong truyền bá và rất có ích trên mặt đất. (Còn tiếp)
Thái Hà (Bài dịch)