Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 2/2/2011 17:50'(GMT+7)

Ấm áp bữa cơm chiều 30 Tết

Ngày 30 Tết, bỏ lại những vất vả, lo toan trong một năm, mọi người đều cố gắng nhanh chóng thu xếp công việc, trở về bên gia đình, cùng ăn bữa cơm tất niên sum vầy. Cho dù cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng những cảm xúc đầm ấm, thiêng liêng trong bữa cơm chiều 30 vẫn được các thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ.

Như nhiều nhà khác, hôm nay, gia đình bà Nguyễn Xuân Hạnh, ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tất bật chuẩn bị cho mâm cơm chiều 30 Tết. Từ tối qua, bà đã ngâm gạo nếp và đỗ xanh đồ xôi cúng tất niên. Sáng sớm nay, bà cùng con dâu đi chợ, chọn mua những thứ tươi ngon nhất về làm cơm. Mấy đứa cháu nội, ngoại ríu rít giúp bà nhặt rau, cắt tỉa su hào, cà rốt thành những hình hoa đào cho món canh thập cẩm thêm đẹp mắt. Trên bếp, nồi canh măng hầm xương đang đỏ lửa. Ngoài sân, bánh chưng đã được vớt ra. Những chiếc đẹp nhất được chọn đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Trong phòng khách, anh con trai cả cùng mấy cháu nhỏ sửa lại cành đào, trang trí thêm cho cây quất mấy dây đèn màu nhấp nháy. Cả căn phòng như sáng bừng lên sắc thắm hoa đào và rực vàng quất chín.

Bà Hạnh chia sẻ: mâm cơm chiều 30 Tết trong gia đình người Hà Nội xưa bao giờ cũng đủ các món gồm 3 bát (măng hầm giò, miến, bóng - PV) và 4 đĩa (thịt gà, giò lụa, giò xào, xào hạnh nhân - PV). Đến giờ, gia đình bà vẫn làm theo nếp cũ như để lưu giữ không khí Tết cổ truyền trong tâm trí mỗi thành viên. “Thức ăn chúng tôi nấu vẫn giữ theo lối cổ để giữ nét cổ truyền và giữ hoà khí trong gia đình để vui vẻ ngày 30 cũng như 3 ngày Tết. Ngày 30, ngày tất niên, tức là tổng kết lại 1 năm. Cho nên mọi thứ đều phải chuẩn bị rất chu đáo, thức ăn phải làm rất tinh khiết sạch sẽ”- Bà Hạnh nói.

Bữa cơm chiều 30 là bữa cơm đoàn tụ, gói lại bao buồn vui, lo toan của một năm vất vả. Trong khói hương trầm lan toả, giữa cái se lạnh của đất trời lúc xuân sang, bên mâm cơm truyền thống, con cháu trong nhà thành kính chia sẻ với ông bà, bố mẹ những công việc đã làm được trong năm. Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu những việc cần làm trong năm mới.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, 80 tuổi ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự: gia đình có 2 con đi làm ăn xa, dù bận rộn thế nào cũng gắng thu xếp công việc về quây quần bên mâm cơm ngày cuối năm. Mỗi người một tâm trạng, nhưng ai cũng thấy rõ cảm giác thân quen trong từng bát canh măng, đĩa thịt gà, bánh chưng xanh… Ông Vinh tâm sự: với người già, mỗi buổi chiều 30 Tết, lại như được trở về với quá khứ, hồi tưởng lại thời ấu thơ. Đó chính là thứ tài sản mà người Việt luôn mang theo trên mỗi bước đường đời: Không có gia đình nào lại không muốn đoàn tụ nên những phút đó rất đáng quý, trân trọng. Bao nhiêu ngày lao động, đem mở ra để chứng minh cho ông bà tổ tiên thấy thành quả của con cháu mình. Có những điều chưa đẹp chưa hay lắm thì có thể bỏ qua hết, và quy lại những gì tốt đẹp nhất”.

Bữa cơm chiều 30 còn là nỗi khắc khoải, là niềm nhớ khôn nguôi trong lòng những người Việt xa xứ. Bà Lê Thị Bắc, sang Nauy định cư gần 30 năm nay tâm sự: Những cái Tết xa quê hương, thấy da diết nhớ hương bánh chưng ấm nồng trên bếp củi đỏ lửa trong cái se lạnh của đất trời, nhớ vị cay cay dưa hành mẹ muối. Những mùi vị ấy, ở nơi xứ người không sao có được: “Bữa cơm chiều 30 là bữa cơm cuối cùng trong năm rất có ý nghĩa. Hầu hết gia đình tôi và những gia đình người Việt khác đều tụ tập đông đủ tất cả các con cháu vào bữa cơm cuối năm. Ở nước ngoài, mỗi khi đến chiều 30 cũng làm cỗ, thắp hương nhưng không được vui như vậy vì chỉ có một mình, con cháu có được nghỉ đâu. Lúc ấy thấy buồn lắm, thấy nhớ nhà, nhớ quê hương”.

Một số nơi, chiều ngày 30 Tết, trước bữa cơm tất niên, các gia đình thường ra mộ thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Bữa cơm tất niên trong gia đình người Việt, dù sung túc hay còn đạm bạc vẫn chứa chan tình cảm gia đình nồng ấm. Đấy là điểm tựa tinh thần mà mỗi người con tìm về như một bến đỗ bình yên mỗi dịp Tết đến, xuân về./.

(Lưu Huyền- Minh Châm/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất