Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 1/2/2011 18:12'(GMT+7)

Các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, xây dựng đất nước

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Ban Ban Tôn giáo Chính phủ xung quanh vấn đề về công tác tôn giáo.

Ông có thể điểm lại một số nét chính của công tác tôn giáo năm qua?

Trong số nhiều hoạt động của công tác tôn giáo năm 2010, chúng tôi thấy một số sự kiện tôn giáo tạo được ấn tượng lớn trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Đó là, Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XI tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2010. Tiếp theo là Đại hội dân Chúa diễn ra vào tháng 11/2010, bao gồm các giám mục, gần 500 đại  biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân,… đại diện cho mọi giới công giáo Việt Nam. Đại hội Dân chúa đã thông qua Sứ điệp kế thừa Bức Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tiếp thu ý chỉ của Giáo hoàng Benedict XVI, trong đó khẳng định và nhấn mạnh đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”, “là người giáo dân tốt đồng thời là công dân tốt”.

Kết thúc là Lễ bế mạc Năm Thánh kết hợp với Đại hội hành hương La Vang lần thứ 29 được tổ chức từ ngày 4-6/1/2011 tại Nhà thờ La Vang (Quảng Trị) với sự tham gia của gần 500.000 lượt giáo sỹ và giáo dân cũng như giáo sỹ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt có sự tham dự của Hồng y Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Vatican, Đặc sứ của Giáo hoàng Benedict XVI.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với đời sống người Công giáo Việt Nam. Lễ bế mạc Năm Thánh diễn ra trong không khí trang trọng, linh thiêng. Hồng y Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Ivan Dias đã có bài phát biểu đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam với thái  độ rất tích cực, thiện chí. Đến dự lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ với giới Công giáo Việt Nam về quan điểm, chính sách, pháp luật, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo nói chung, đối  với Giáo hội Công giáo Việt Nam và sự kiện Năm Thánh 2010.

Bên cạnh đó, năm 2010 cũng diễn ra đại hội mãn nhiệm kỳ, giữa nhiệm kỳ, hội nghị thường niên của nhiều tổ chức tôn giáo để bầu ban lãnh đạo mới, thông qua đường hướng hoạt động mới, như Hội đồng Giáo phẩm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Đại hội Hội thánh Tin lành Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam lần thứ nhất, Đại hội của Hội thánh Cao Đài Bình Đức,…

Năm qua, Nhà nước cũng tiếp tục công nhận một số tổ chức tôn giáo và trực tiếp hướng dẫn Hội thánh phúc âm ngũ tuần Việt Nam hoàn chỉnh các thủ tục để tiến tới việc công nhận các tổ chức tôn giáo. Từ  khi có Pháp  lệnh  Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, Nhà nước đã công nhận thêm 17 tổ chức tôn giáo, đưa số tổ chức tôn giáo hoạt động ở Việt Nam theo khuôn khổ pháp luật lên 32 tổ chức.

Cũng năm 2010, đại diện các tổ chức tôn giáo cả nước đã ra Hà Nội tham gia Lễ diễu hành Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đây là những đại biểu đại diện cho khối đoàn kết tôn giáo và đoàn kết toàn dân tộc, biểu thị tình cảm của mình các tổ chức tôn giáo với Thủ đô.

Thưa ông, việc sinh hoạt tôn giáo của những người theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc hiện nay như thế nào?

Các sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin lành ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đang diễn ra bình thường và có chuyển biến tiến bộ. Khu vực Tây Nguyên cho đến nay đã có 170 chi hội được công nhận và 1.261 điểm nhóm của các tổ chức Tin lành đăng ký với chính quyền cơ sở, chiếm trên 90% các tổ chức tôn giáo đang hoạt động bình thường, theo pháp luật. Khu vực miền núi phía Bắc đã có 208 điểm nhóm được đăng ký và hoạt động tôn giáo ổn định.

Ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo trong nước thời gian qua?

Có thể nói, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo trong nước khá sôi động, các cá  nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, các tổ chức tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài tăng lên so với trước. Đặc  biệt, sau cuộc đàm phán lần thứ 2 giữa tổ công tác hỗn hợp Việt Nam và Tòa thánh Vatican (6/2010), hai bên đã thống nhất để Tòa thánh Vatican cử Đặc phái viên không thường trú đến Việt Nam trong mối quan hệ với Giáo hội Công giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Đây là dấu ấn quan trọng trong tiến trình quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã tham gia các  cuộc  đối thoại tôn giáo, đối thoại nhân quyền mang tính khu vực và quốc tế, thông qua đó để bạn bè trên thế giới hiểu về đời sống tôn giáo và chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

Những vấn đề lớn đặt ra đối với công tác tôn giáo hiện nay là gì, thưa ông?

Từ tình hình thực tiễn tôn giáo và công tác tôn giáo, đặt trong môi trường quốc tế khi Việt Nam hội nhập sâu vào đời sống thế giới, do đó, công tác tôn giáo phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, trong đó tập trung hoàn chỉnh khung pháp lý để hướng dẫn và quản lý hoạt động tôn giáo sao cho cụ thể, rõ ràng hơn, thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với  tôn giáo.  Trên cơ sở đó, Ban Tôn giáo được Chính phủ phân công soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Những  năm tới, cần tiếp tục tuyên truyền quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính  sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo trong hệ thống chính trị để tạo sự thống nhất cao về quan điểm đổi mới của Đảng với công tác tôn giáo. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tôn giáo đối với các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo để họ hiểu biết, thực hiện, đồng  thời tuyên truyền ra các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với chính sách tôn giáo.

Việc giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác tôn giáo cần tiếp tục triển khai ra sao?

Cần tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến tôn giáo do lịch sử để lại, do quan hệ mới nảy sinh. Ví như khi đã công nhận tư cách pháp nhân đối với các tổ chức tôn giáo, theo đó các tổ chức tôn giáo có đủ tư cách pháp lý hoạt động theo khuôn khổ pháp luật thì chúng ta sẽ phải giải quyết theo pháp luật, trong đó có vấn đề do lịch sử để lại như vấn đề đào tạo, phong chức, xây dựng sửa chữa nơi thờ tự,…

Tổ chức hướng dẫn và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo thực hiện theo đường hướng mà họ đã xác định. Chúng ta thấy thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ở Việt  Nam đều xác định đường hướng tiến bộ là “gắn bó với dân tộc và tuân thủ pháp luật”. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo có định hướng khác nhau như Giáo  hội  Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp, Dân tộc và CNXH”; Giáo hội Công giáo Việt Nam là “sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”, Tin lành là “sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”, đạo Cao Đài là “Nước vinh, Đạo sáng”, Phật giáo Hòa Hảo là “đạo pháp và dân tộc”,...

Trong môi trường hội nhập quốc tế, không ít người đã xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta, giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?

Đúng  là  có  một  bộ  phận nhỏ lợi dụng xuyên tạc vấn  đề  tôn giáo ở Việt Nam, còn đa số chưa hoặc không hiểu hoặc nghe theo những  thông tin không thiện chí về  vấn  đề  tôn giáo ở  Việt  Nam. Do đó, những năm tới, trong môi trường hội nhập quốc tế, ngoài việc giúp cho các tôn giáo thực hiện tốt các mối quan hệ quốc tế của mình, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, ngoại giao để cộng đồng thế giới hiểu được bức tranh và sự chuyển biến tích cực trong đời sống tôn giáo Việt Nam. Xin mời các tổ chức, cá nhân tôn giáo quốc tế đến Việt Nam để tận mắt chứng kiến đời sống tôn giáo ở Việt Nam

Bên cạnh đó, cần đấu tranh với những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo cả ở trong nước và quốc tế nhằm xuyên tạc tình hình tôn giáo và chống phá Đảng và Nhà nước.

Trăn trở lớn của ông đối với công tác tôn giáo hiện nay?

Theo tôi, tới  đây cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân để mọi người hiểu biết đầy đủ, thấu đáo và thực hiện thật tốt những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo. Đồng  thời, về phía các tổ chức tôn giáo, bên cạnh việc xác định đường hướng tiến bộ, cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện đường hướng đó. Phải bằng những hành động cụ thể để biểu hiện sự gắn bó với dân tộc, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển. Tôi nghĩ rằng đó chính là đích mà cả Nhà nước và các tổ chức tôn giáo đều hướng đến.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất