Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 17/1/2011 20:28'(GMT+7)

Ấm áp buổi tưởng nhớ cố NSND Quách Thị Hồ

Một tiết mục biểu diễn ca trù tại chương trình kỷ niệm.

Một tiết mục biểu diễn ca trù tại chương trình kỷ niệm.

Ngày 16-1, Trung tâm UNESCO Ca trù phối hợp cùng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức một chương trình đặc biệt kỷ niệm 10 năm ngày mất của ca nương bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX, Quách Thị Hồ.

Đây là dịp để người thân và bạn bè của cụ cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm từng “chia ngọt sẻ bùi” với cụ cũng như sự nhiệt huyết của người nghệ sĩ tài danh với nghề.

"Tôi vẫn nhớ từng lời ca, vai diễn của mẹ", bà Nguyễn Tường Lân khẳng định
Nhớ về mẹ, bà Nguyễn Tường Lân, 75 tuổi, xúc động chia sẻ: “Chúng tôi luôn trân trọng lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề và ý tưởng (giới thiệu ca trù Việt Nam ra thế giới) của cụ. Tôi không thể nào quên cái ngày mà tôi được xem mẹ hát và biểu diễn trong Nhà hát Lớn. Ngày ấy, tôi mới 8 tuổi nhưng tôi vẫn nhớ từng lời ca, từng vai diễn của mẹ, dù không phải là tất cả. Sau này, có những lần mẹ tôi lặn lội vừa đi bộ, vừa đi tàu điện đến nhà học trò để dạy nghề. Mẹ tôi vẫn tự hào là nhờ giọng hát mà mẹ làm ăn lương thiện nuôi các con, có tiền cứu đói. Mẹ bảo, giọng hát của mẹ không bao giờ mất và thực tế là nằm trên giường bệnh mà cụ vẫn hát”.

Con gái cụ Quách Thị Hồ hóm hỉnh kết luận: “Số phận gia đình tôi thăng trầm theo số phận của ca trù”.

NSND Quách Thị Hồ sinh năm 1909 trong một gia đình có truyền thống hát ca trù. Lên 6 tuổi, đã theo mẹ và các dì đi hát; 8 tuổi nổi tiếng hát hay trong giáo phường; 10 tuổi được giáo phường cho hát chính; 12 tuổi đi hát các nơi hội hè, đình đám; 15 tuổi nổi tiếng hát hay ở kinh thành Thăng Long.

Giọng ca của cụ có một không hai và cụ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật hát ca trù. Có người ví tiếng hát của cụ “êm ái như nhung, ấm áp như nắng xuân, trong sáng như trăng rằm, tiếng phách như suối reo, thác đổ”.

Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng cụ bằng danh dự cho công lao "gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quí báu của Việt Nam, một vốn quí của nhân loại". 10 năm sau, cụ được phong tặng danh hiệu NSND và năm 1999, được Nhà nước đề cử vào danh sách những người phụ nữ huyền thoại Thế giới.

Chính Giáo sư Trần Văn Khê, khi nghe cụ hát, đã phải thốt lên tán thưởng: “Tuyệt diệu, vô song”.

Dù không còn được nghe cụ trực tiếp hát, nhưng những ca nương trẻ và một số nghệ sĩ ca trù nổi tiếng đã thể hiện nỗi nhớ cụ bằng tiếng hát của mình. Một loạt những bài Hương Sơn phong cảnh ca, điệu Bắc phản, Thét nhạc, làn điệu Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, bài hát nói Tưởng nhớ NSND Quách Thị Hồ,… được cất lên, làm ấm lòng người nghe bởi nghệ thuật ca trù Việt Nam đang có một lớp kế cận tâm huyết với nghề. Điều đặc biệt là chính cháu ngoại của cụ, chị Dương Thanh Huyền, dù không theo nghiệp của cụ cũng đã biểu diễn trích đoạn Tỳ bà hành khiến nhiều người xúc động.

Là một trong những ca nương biểu diễn trong chương trình kỷ niệm ý nghĩa này, ca nương Vương Tú Ngọc, Trung tâm UNESCO ca trù, bày tỏ sự kính trọng đối với NSND Quách Thị Hồ. Ca nương chia sẻ: “Hát ca trù không đơn giản mà các ca nương thế hệ chúng tôi lại chịu thiệt thòi là không được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân trong bối cảnh xã hội xưa để cảm nhận được cái hồn cốt của từng làn điệu, bài hát”. Tuy nhiên, không vì thế mà các ca nương không tự trau dồi để có sự cảm thụ tốt. Ca nương Vương Tú Ngọc cũng khẳng định sẽ tiếp tục biểu diễn để tôn vinh và truyền tải giá trị nghệ thuật của ca trù đến với đông đảo các bạn trẻ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà cụ Quách Thị Hồ đã bỏ bao tâm huyết gìn giữ và giới thiệu với bạn bè quốc tế./.

(Mai Hương/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất