Thứ Ba, 24/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 24/7/2015 9:28'(GMT+7)

Ấn Độ có thể ban hành cơ chế riêng thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phát biểu về vấn đề ngân sách tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết chính sách “Hành động phía Đông” của Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược tại khu vực Đông Nam Á.

Để khuyến khích đầu tư của lĩnh vực tư nhân Ấn Độ tại khu vực này, một công ty phát triển dự án sẽ được thành lập tại các trung tâm chế tạo của các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam thông qua cơ chế phục vụ mục đích đặc biệt (SPV).

Công ty phát triển dự án sẽ trực thuộc Công ty tư vấn thu mua toàn cầu (GPCL) của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank). Công ty ​này sẽ thiết lập các SPV với các đối tác tư nhân để tìm kiếm các dự án phát triển Đặc khu kinh tế hoặc Công viên công nghiệp, sau đó phân bổ không gian phát triển tại các khu vực này cho các công ty Ấn Độ.

Dự kiến, địa chỉ đầu tư đầu tiên của Công ty phát triển dự án Ấn Độ là Việt Nam, nơi một khu công nghiệp dệt may có thể được phát triển. Trong số bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, Việt Nam nằm trong số 12 nước đang trong tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó dự kiến sẽ nâng các quy chuẩn về thương mại, đầu tư và quyền sở hữu tài sản tri thức, khiến các nước không phải thành viên của TPP như Ấn Độ sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường.

Ấn Độ hy vọng sự hiện diện tại Việt Nam có thể giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn thị trường các nước phát triển, trong đó có Mỹ và Canada. Xuất khẩu của Ấn Độ tới các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam năm 2013-2014 đạt 6,4 tỷ USD, tăng 38% và nhập khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm trước.

Các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam chiếm 32% diện tích địa lý của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chiếm khoảng 9% GDP của ASEAN.

Các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam đã chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Các quốc gia Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam được coi là những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất khu vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù sở hữu các nguồn tài nguyên dồi dào và lao động rẻ nhưng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam thiếu cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Trừ Việt Nam, các nước còn lại trong nhóm bị Liên hợp quốc phân loại “kém phát triển”./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất