(TG) - Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; trong kế hoạch, chiến lược phát triển của địa phương luôn đặt nhiệm vụ xây dựng con người An Giang phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm; từ đó, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực văn hóa.
NGHIÊM TÚC QUÁN TRIỆT VÀ CỤ THỂ HÓA KẾT LUẬN
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị nghiêm túc tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, nhất là quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên từng chi bộ, đoàn thể, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của địa phương.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022), với chuỗi các hoạt động được tổ chức từ tháng 5 đến đầu tháng 11 năm 2022, với các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; hội thảo khoa học; tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về lịch sử truyền thống 190 năm xây dựng, bảo vệ tổ quốc, quê hương An Giang, những thành tựu, bài học kinh nghiệm, tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển của tỉnh. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa mang tính chính trị, tôn vinh và khơi dậy những giá trị lịch sử truyền thống tự hào dân tộc, vừa khẳng định chủ quyền quốc gia, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất Nam Bộ và con người An Giang trong tiến trình lịch sử...
Bên cạnh, Tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật. Liên kết và phát huy thế mạnh của văn nghệ sĩ để tạo ra nét đột phá trong sáng tác, đi sâu khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng bốn dân tộc anh em cùng chung sống trên quê hương An Giang. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật đẩy mạnh quảng bá các lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống, những điệu múa dân gian đặc sắc của các dân tộc giới thiệu với công chúng về bản sắc văn hoá, vùng đất và con người của quê hương An Giang.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm với đặc thù là địa phương có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với nhiều loại hình như: Danh lam thắng cảnh, lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ; với tổng số 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc. Hơn nữa, công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc biệt được quan tâm, đầu tư nhằm gìn giữ, những di sản văn hóa nhất là những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Ngành Văn hóa đã trang bị nhạc cụ cho các chùa Khmer, các thánh đường Chăm, tổ chức nhiều lớp truyền dạy di sản dân tộc cho các nghệ nhân trẻ, góp phần đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế thừa nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống, nét đặc trưng của đồng bào dân tộc, cũng là nét đặc sắc của văn hóa An Giang. Ngoài ra, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích, ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Danh mục di sản văn hoá Thế giới trình UNESCO, đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, công tác tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ qua các đợt phong tặng danh hiệu...
HUY ĐỘNG TỐI ĐA CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Thời quan qua, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Tỉnh luôn quan tâm kết hợp ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương phù hợp với khả năng, điều kiện của Tỉnh. Chỉ tính giai đoạn 2013 – 2020, tỉnh An Giang đã tập trung đầu tư xây dựng và cải tạo các thiết chế văn hóa – thể thao cho 61 xã trên tổng số 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã xây mới và cải tạo được 30 xã theo mô hình Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng và 31 Điểm Sinh hoạt văn hóa – thể thao xã. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm mô hình thiết chế văn hóa – thể thao ở 28 xã.
Xây dựng kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh giai đoạn trung hạn 2016 - 2020; 2021 - 2025; tu bổ cấp thiết di tích; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu cho các di tích cấp quốc gia từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; Đặc biệt, Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí trùng tu cho 69 đình làng chưa xếp hạng trong Tỉnh nhằm bảo tồn gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương… Công tác này được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, đặc biệt bà con tích cực tham gia đóng góp xã hội hóa trong trùng tu tôn tạo các di tích tại địa phương.
Từ những kết quả quan trọng bước đầu, đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng văn hoá, du lịch, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước.
Trường Giang