(TG) - Hội đồng khoa học Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức nghiệm thu đề tài trọng điểm cấp Tổng Liên đoàn về “Đổi mới công tác tuyên truyền của Công đoàn Việt Nam thông qua mạng xã hội”, mã số ĐT.XH/TLĐ.2020.01, do TS. Lê Cao Thắng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn làm chủ nhiệm đề tài.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì Hội nghị. Cùng dự có PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam.
Về phía cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài có ThS. Vũ Thị Giáng Hương – Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ Thành phố Hà Nội, Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lê Cao Thắng trình bày báo cáo tóm tắt đề tài, trong đó làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; phân tích thực trạng và đề xuất 5 nhóm giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền của Công đoàn Việt Nam thông qua mạng xã hội.
TS. Lê Cao Thắng cho biết, với việc ứng dụng công nghệ và mạng xã hội, công tác tuyên truyền của Công đoàn đã đạt những kết quả tích cực. Tuyên truyền thông qua mạng xã hội đang trở nên phổ biến trong công nhân, Công đoàn càng thể hiện rõ vai trò kết nối dựa trên nền tảng truyền thông tương tác, nghĩa là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động vừa là người cung cấp nội dung, vừa là người phân phối, thúc đẩy nội dung lan tỏa, lại vừa là người tiếp nhận nội dung. Các trang mạng xã hội của Công đoàn tồn tại như một trang thông tin điện tử trên mạng xã hội phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động. Đây cũng là quyền của người lao động được thể hiện thông qua các chế định của Bộ luật lao động như hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể, tiền lương...
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, thói quen cập nhật thông tin của công chúng nói chung và đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nói riêng cũng thay đổi liên tục. Việc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội rất phổ biến trong công nhân lao động, đặc biệt là các thông tin thiết thực liên quan đến quyền lợi, lợi ích của họ. Do đó đặt ra yêu cầu đối với Công đoàn các cấp về thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho đoàn viên, người lao động thông qua mạng xã hội.
“Công đoàn đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người lao động cũng đồng nghĩa với việc nâng cao cơ hội chia sẻ, trao đổi thông tin thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần giải quyết kịp thời các tranh chấp có thể xảy ra, xây dựng và duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ” - TS.Lê Cao Thắng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu. Theo PGS.TS Đỗ Công Tuấn – Nguyên Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đây là một công trình đồ sộ về bộ sản phẩm, gồm báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, báo cáo kết quả điều tra định tính và định lượng, 6 bài báo, 2 kỷ yếu khoa học, 1 tài liệu tuyên truyền và điều tra, khảo sát trên 5.368 mẫu (phỏng vấn online 2.741 mẫu và trực tiếp 2.627 mẫu). Đề tài đã đưa ra những luận chứng có sức thuyết phục về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, đề xuất luận chứng phương hướng, giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam thông qua mạng xã hội.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đỗ Công Tuấn, TS. Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận xét công trình nghiên cứu công phu, được thực hiện bài bản, có độ tin cậy cao, văn phong rõ ràng, mạch lạc. Đề tài đã thao tác hóa khái niệm; chức năng và nhiệm vụ cơ bản của công tác tuyên truyền của Công đoàn Việt Nam; sự phát triển của mạng xã hội và mạng xã hội ở Việt Nam; kinh nghiệm tuyên truyền ở một số quốc gia trên thế giới; đánh giá thực trạng và phân tích các thành tố của hoạt động truyền thông công đoàn (theo 5 thành tố của lý thuyết truyền thông bao gồm chủ thể, thông điệp, phương tiện truyền thông, khách thể tiếp nhận và các yếu tố gây nhiễu).
Đánh giá về hệ thống giải pháp của đề tài, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng có tính tổng thể, toàn diện, chính xác, khả thi; hệ thống kiến nghi đúng và trúng vấn đề…
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng cũng góp ý về bố cục, kết cấu đề tài để nhóm nghiên cứu thực hiện hoàn thiện đảm bảo logic, khoa học hơn; đồng thời đề xuất bổ sung một số giải pháp có tính đột phá liên quan trực tiếp đến môi trường mạng xã hội như: Chạy quảng cáo các thông tin tuyên truyền trên các nền tảng MXH lớn như Facebook, Tiktok, Zalo nhằm tối ưu hóa phạm vi đối tượng tiếp nhận theo các nhóm công chúng xác định cụ thể, ở các khu vực vùng miền cụ thể, ngành nghề lĩnh vực hoạt động cụ thể; tăng cường tương tác phản hồi tức thời trên MXH, đảm bảo tính “sống động” của thông tin; sử dụng các KOL – người định hướng dư luận xã hội, người nổi tiếng trên MXH để thu hút công nhân lao động; lập mạng lưới cộng tác viên truyền thông ở cơ sở, bao gồm hệ thống tổ chức Admin, Mode, có tập huấn truyền thông, định hướng dư luận xã hội…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu ghi nhận và đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài khá nghiêm túc, công phu, có nhiều đầu tư, hàm lượng thông tin lớn, cơ sở lý luận khá vững chắc, thực tiễn phong phú. Bên cạnh đó, các giải pháp đưa ra có tính gợi mở, khả thi cao, một số giải pháp có thể triển khai ngay trong thực tiễn.
Hội đồng Khoa học đã thống nhất đánh giá đề tài xếp loại Đạt, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu, sửa chữa các ý kiến của thành viên Hội đồng và xin lại ý kiến của Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu trước khi trình Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận kết quả nghiên cứu.
Tuấn Đạt