Thứ Hai, 25/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 29/5/2018 15:26'(GMT+7)

An ninh, an toàn và phát triển

(Ảnh minh họa).

Dự án Luật An ninh mạng ngay từ khi được đưa ra xin ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Những vấn đề chính mà đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm trong suốt thời gian qua là: Tính cần thiết của dự án Luật An ninh mạng; dự án luật có ảnh hưởng gì đến quyền tiếp cận thông tin của công dân; có ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hay không; ảnh hưởng gì tới hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu hoạt động trên môi trường internet...

Có thể thấy, an ninh mạng đang là vấn đề nóng của toàn cầu, chính bởi tính phổ dụng của internet, liên quan tới hoạt động của chính phủ, doanh nghiệp và người dân ở tất cả các quốc gia. Trong khi đó, tin tặc, khủng bố, các tổ chức theo chủ nghĩa cực đoan trên thế giới đều tăng cường sử dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi tấn công của mình. Thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng vệ hữu hiệu. Thế rồi, hoạt động của các công ty đa quốc gia như Facebook, Google... không chỉ đơn thuần là hoạt động của doanh nghiệp mà còn liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia trên môi trường mạng. Thử nghĩ xem, một công ty của nước A nắm giữ thông tin cá nhân của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu công dân của nước B mà nước B không thể có tác động nào, thì liệu có ổn không? Vừa qua, sự cố bán thông tin tài khoản cá nhân của hàng triệu người dùng của Facebook đã khiến nhiều quốc gia rúng động. Các cơ quan lập pháp tại Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã yêu cầu ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg phải giải trình. Như vậy, bảo vệ an ninh mạng không chỉ là để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia mà còn là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn và quyền riêng tư của mỗi người dân. Điều này thì tất cả các quốc gia đều phải thực hiện.


Do đó, việc bảo đảm một môi trường an ninh, an toàn trên internet là vấn đề hết sức cấp bách, nhất là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với thế giới, tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh mạng của thế giới đều có thể xảy ra ở Việt Nam. Theo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Luật An ninh mạng thì cách tiếp cận, nội dung của dự án Luật An ninh mạng rộng, mang nhiều nội dung an ninh phi truyền thống mà các luật hiện nay chưa đề cập đến.  

Về những lo ngại các quy định trong dự án luật sẽ ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của công dân, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, có lẽ cần phải thấy rằng khi đã mất an ninh, an toàn, thì tất cả các quyền của cá nhân người dân và quyền của doanh nghiệp thực tế đều đã bị xâm phạm. Người dân không thể sống bình yên, doanh nghiệp không thể phát triển nếu bị tin tặc, khủng bố và các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu thông qua môi trường mạng tấn công, xâm hại. Vì thế, việc bảo đảm an ninh là một yêu cầu cơ bản nhất để tạo ra một môi trường sống an toàn cho người dân, môi trường ổn định cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp đều hoạt động trên một nền luật pháp công bằng. Đó cũng chính là thể hiện của một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. 
 

Hồ Quang Phương (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất