Những năm gần đây, an ninh môi trường là một chủ đề rất được quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh môi trường quốc gia, đó là quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm biến đổi sâu sắc các điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều chủng loại mới.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ về những nguy cơ đe dọa an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay, nêu ra một số giải pháp nhằm giữ vững an ninh môi trường trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và đưa ra những dự báo an ninh môi trường trong tương lai. Đồng thời, giải pháp một số ý kiến liên quan của các đại biểu trong Tọa đàm.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia. Biểu hiện của môi trường bị mất an ninh là: cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, biến đổi các chu trình sinh – địa, suy giảm đa dạng sinh học. Đặc biệt, văn hóa an toàn doanh nghiệp và an ninh môi trường đang có khoảng cách khá xa.
TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Vấn đề an ninh môi trường đã được đặt ra một cách nghiêm túc và khẩn cấp. Môi trường là vấn đề liên quốc gia, liên lục địa, liên địa phương, liên vùng. Mới đây, WHO cảnh báo ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Đại dịch Covid-19 xảy ra cũng gây ra rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường như xử lý rác thải y tế nguy hại và hiện nay là các vấn đề về ô nhiễm vi nhựa, rác thải nhựa. Chúng đều liên quan đến an ninh môi trường. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc dự báo được các vấn đề về môi trường có thể xảy ra để ngăn ngừa, hạn chế tối đa mức ảnh hưởng là vô cùng quan trọng.
Trước tình hình an ninh môi trường đang đe dọa tới sự phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia đều cho rằng, chúng ta cần tích cực thực hiện một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về an ninh môi trường; xây dựng mạng lưới kết nối trong cộng đồng để huy động sức mạnh của toàn dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường; cần có các giải pháp về công nghệ hiện đại để hạn chế mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, đảm bảo quyền tiếp cận của công dân từ mặt thông tin, từ mặt pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài ra, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất xét việc đưa môn học “An ninh môi trường” vào chương trình giáo dục để An ninh môi trường đi vào thực tế.
Hoàng Ngân