(TG)- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng
Theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường sự tham gia tích cực của công nhân, người lao động, cộng đồng dân cư nơi cư trú trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào các vấn đề: vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường phố và kênh rạch; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố; hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường…
Đồng thời, TP.HCM sẽ tập trung giới thiệu các công trình, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và các hành vi vi phạm bị xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe và hiệu quả công tác tuyên truyền.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 19 ở các địa phương, kịp thời phát hiện, biểu dương các mô hình, công trình, giải pháp, cách làm hay để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Sở đã tăng cường công tác phối hợp cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và 6 tổ chức thành viên (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Người cao tuổi) tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết, trong đó, luôn đặt trọng tâm tuyên truyền về cuộc vận động nhân dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch.
Sở TN&MT đã phát huy vai trò định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác truyền thông tại các địa phương và đơn vị, thông qua việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên và duy trì việc định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho báo cáo viên cấp thành phố và cán bộ truyền thông, lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt ở địa phương. Đồng thời, xây dựng và phát hành các tài liệu, công cụ hỗ trợ cho công tác truyền thông; tổ chức các mô hình bảo vệ môi trường và hướng dẫn nhân rộng (bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng theo mô hình tổ nhân dân tự quản, mô hình Trường học Xanh…).
Xử lý kịp thời phản ánh của người dân
TP.HCM đặt ra mục tiêu, trong năm 2021, 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó, cần đổi mới phương pháp đối thoại, duy trì, mở rộng đối tượng (hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp). Đặc biệt, 100% phản hồi của người dân về bảo vệ môi trường và trật tự đô thị phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Đến nay, tất cả các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã triển khai xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự và vệ sinh môi trường tại từng địa phương bằng nhiều phương thức tiếp nhận đa dạng, khác nhau (tin nhắn điện thoại, chụp hình, thư điện tử, đường dây nóng...). Các phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm về môi trường, đô thị đã được chính quyền các cấp xử lý kịp thời, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân đối với chính quyền thành phố trong công tác bảo vệ môi trường.
UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, cần đẩy mạnh các giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc triển khai Chỉ thị 19 giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, triển khai nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Đồng thời, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera phục vụ thực hiện xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19, trên toàn địa bàn TP.HCM đã tổ chức được 7.324 cuộc đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường. Đồng thời, TP.HCM đã xử phạt 10.848 trường hợp, nhắc nhở 6.832 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường.
Nguyễn Quỳnh