Mới đây, Tọa đàm: “Bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 29/9 đã thu hút gần 200 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, 13 tỉnh/thành vùng Tây Nam bộ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và manh so với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt đông khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biện, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Nghị quyết được ban hành đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng,… Nhân dân đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia. Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn thách thức. Các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.
Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.
Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới), đồng thời năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước).
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Kinh tế khu vực này chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác các tiềm năng sẵn có là chính. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Công tác quy hoạch còn chậm, tính khả thi chưa cao. Việc sử dụng nguồn lực, nhất là nội lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong toàn vùng đạt thấp. vùng ĐBSCL hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam.
Để góp phần giải quyết những khó khăn trên, Đại học Quốc gia TPHCM đã được Bộ KH&CN giao phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2019 (gia hạn đến tháng 6/2021).
Đây là một chương trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách, phức tạp đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong những định hướng trọng tâm mà Bộ đã tập trung là ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu thời gian qua, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và đề xuất các mô hình thực tiễn để phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với BĐKH một cách bài bản với tầm nhìn dài hạn.
“Các chương trình KH&CN của Bộ đã huy động hàng nghìn chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế. Qua đó, nhiều kết quả nghiên cứu từ các chương trình này được các địa phương tích cực triển khai để ứng phó với BĐKH , điển hình như: Mô hình chuyển đổi trồng rừng hiệu quả thấp sang trồng rừng, kết hợp nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao thích ứng với xâm nhập mặn tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; mô hình chuyển đổi diện tích lúa thường bị nhiễm mặn hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản thâm canh đạt hiệu quả cao tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; mô hình chuyển đổi trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng phối hợp lúa-cá-vịt hiệu quả cao tại các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp...”-Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH trong thời gian tới cần thực hiện 6 định hướng cơ bản sau.
Thứ nhất, hình thành các dự án, nhiệm vụ KH&CN lớn mang tính liên ngành, liên vùng để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết, có tính hệ thống của khu vực.
Thứ hai, xây dựng, lắp đặt hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (gồm thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN bảo đảm nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng khan hiếm nước ven biển ĐBSCL (như xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng với quy mô khác nhau; hệ thống khử nước mặn sử dụng năng lượng tái tạo…).
Thứ tư, sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn các kết quả thành công của các nhiệm vụ KH&CN về các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Chương trình cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp KH&CN có tính tổng thể (trong đó chú trọng bảo đảm an toàn hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn kéo dài);
Thứ năm, đề nghị TP. Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận, nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng (như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Bạc Liêu, Trường ĐH Kiên Giang, Phân hiệu của ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre, các Viện nghiên cứu tại ĐBSCL...) để phát huy hiệu quả thế mạnh nghiên cứu, cùng đồng hành với các doanh nghiệp - được xem là trung tâm của các hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo. Liên kết này dưới sự hỗ trợ của nhà nước qua những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp sẽ tạo ra năng lượng cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Thu Cúc