Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 14/10/2012 8:25'(GMT+7)

An sinh xã hội và biến đổi khí hậu: Chủ đề nóng bỏng của báo chí

1. An sinh xã hội là hợp điểm của mọi chính sách phát triển

An sinh xã hội (ASXH) có nội dung tổng hợp và chịu tác động bởi một tổng hợp các nhân tố chế ước: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng - an ninh, môi trường tự nhiên - sinh thái và môi trường xã hội - nhân văn. ASXH vừa ở trong chính sách xã hội xét về nội dung, lại vừa ở ngoài xã hội xét về điều kiện thực hiện và các quan hệ chi phối. ASXH vừa là nội dung trọng yếu phải giải quyết của các chính sách xã hội, lại vừa là vấn đề vượt ra khỏi phạm vi của chính sách của xã hội và các vấn đề xã hội. Nó thực sự phải được giải quyết bằng hệ thống tổng hợp các chính sách của phát triển, nằm ngay trong chính sách kinh tế và văn hoá, quốc phòng - an ninh, trong cả kế hoạch, chương trình cải cách thể chế, đổi mới hệ thống chính trị.

ASXH có ba chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, hạn chế rủi ro và khắc phục rủi ro. Thông qua hệ thống các chương trình, chính sách trợ giúp, bảo hiểm, chủ động hoặc bị động, ngắn hạn, khẩn cấp, ASXH giúp người dân nâng cao khả năng phòng chống, vượt qua biến cố, hạn chế tác động tiêu cực trước mọi rủi ro trong đời sống, sức khỏe, sản xuất kinh doanh và môi trường tự nhiên. Tùy theo đặc điểm của chế độ chính trị, yếu tố lịch sử, địa lý, các quốc gia trên thế giới xây dựng hệ thống ASXH với các cấu trúc khác nhau. Nhưng xét trên nguyên tắc rủi ro và chia sẻ rủi ro, ASXH bao gồm 3 trụ cột cơ bản là: Bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); ưu đãi xã hội và Bảo trợ xã hội (bao gồm trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội).

ASXH có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội, là công cụ giữ gìn sự ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội. Không đảm bảo được ASXH cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng thì mọi sự phát triển đều không thực hiện được hoặc đều trở nên vô nghĩa. ASXH ngày càng trở nên có tính thời sự, là tiêu chí, thước đo về sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo kết quả tổng hợp nghiên cứu của các nhà khoa học, công bố trong một hội thảo quốc gia gần đây về ASXH, các yếu tố chính ảnh hưởng đến ASXH đó là: Toàn cầu hóa, thất nghiệp và nghèo đói; dịch bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng; chiến tranh, khủng bố, bất bình đẳng xã hội; môi trường và biến đổi khí hậu;…Trong đó, biến đổi khí hậu được coi là vấn đề phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.

2. Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó tới ASXH

Biến đổi khí hậu vốn là một trạng thái bình thường của tự nhiên, là một hiện tượng trong quá trình vận động của tự nhiên. Song giờ đây, biến đổi khí hậu lại trở thành một vấn đề lớn của nhân loại, một chủ đề lớn của không ít hội nghị quốc tế và quốc gia; một nội dung thường trực của các Chính phủ; một tiêu điểm thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học, mọi người dân mà là một chủ đề nóng bỏng của truyền thông báo chí.

Theo những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, sự biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây trên thế giới đã có sự gia tăng nhiều mặt. Nếu tính từ thời kỳ tiền công nghiệp (1870), nhất là từ 1980 đến nay, song hành với sự phát triển của công nghiệp, con người thông qua các hoạt động như đốt các nhiên liệu hoá thạch, khai thác hầm mỏ, đất đai, rừng cây; xử lý các chất thải... đã và đang làm tăng dung lượng và nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển, làm nhiệt độ trái đất tăng nhanh với tốc độ chưa từng có so với trước đây. Những kết quả nghiên cứu còn cho thấy trong 100 năm qua nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,6oC và mực nước biển dâng khoảng 20cm. Nếu việc phát khí thải nhà kính tiếp tục với tốc độ như hiện nay thì nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm 1,14oC vào năm 2050, tương ứng mực nước biển sẽ tăng thêm là 0,5m và năm 2100 tăng thêm 3oC, tương ứng mực nước biển sẽ tăng thêm 0,9m. Liên minh công nghiệp môi trường Georgia (GIEC) - một tổ chức của Mỹ đặt tại bang Georgia đã cho biết các năm 2007, 2008 và 2009 là 3 trong 10 năm nóng nhất trong 100 năm qua. Mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố báo cáo cho biết năm 2009 là một trong những năm nóng nhất thế giới. Hiện tượng bão tuyết lớn bất thường và băng giá quá lạnh ở các vùng Bắc bán cầu cũng như hiện tượng nóng nắng kéo dài cùng với bão lụt có cường độ lớn ở các vùng Nam bán cầu là những biểu hiện trực tiếp của sự biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây.

Liên quan đến ASXH, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng không chỉ đến bản thân con người mà còn đến những điều kiện sản xuất và sinh sống của con người. Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của một bộ phận cư dân trên thế giới. Nhiều quốc đảo nhỏ, nhiều vùng biển thấp sẽ bị ngập thậm chí bị xoá tên trên bản đồ thế giới khi nước biển dâng. Khi đó hàng trăm triệu người đứng trước nguy cơ không chỉ thiếu đất đai canh tác mà còn phải di cư, thay đổi điều kiện sinh hoạt của mình. Việt Nam là quốc gia được cảnh báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và ASXH là biểu hiện của mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội cũng như mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Mối quan hệ này tồn tại từ rất lâu, ngay từ khi hình thành xã hội loài người, nó vận động và phát triển song hành với sự vận động và phát triển của tự nhiên và của xã hội. Hình thức biểu hiện của mối quan hệ này đa dạng, vừa có điểm chung vừa có điểm riêng phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử cũng như vào từng khu vực, từng quốc gia. Mối quan hệ này có tác động hai chiều rõ rệt, tự nhiên tác động vào xã hội, xã hội tác động vào tự nhiên; chúng tác động lẫn nhau ngày càng tăng và theo cấp số nhân. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, mối quan hệ này tác động lẫn nhau một cách nhanh chóng và lan toả rộng khắp. Những đặc điểm nổi bật nói trên chi phối không chỉ đến những biểu hiện của sự biến đổi khí hậu mà còn đối với các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Trong phạm vi mỗi quốc gia, theo mức độ tác động của biến đổi khí hậu với mỗi quốc gia và theo khả năng của mình, các quốc gia đều tìm kiếm các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu với các hình thức thích hợp. Nhiều nước có xu hướng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, coi đó là một trong những giải pháp bền vững để cắt giảm khí nhà kính. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong 10 năm qua năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thuỷ điện đã tăng rất mạnh, công suất điện toàn cầu từ năng lượng sạch đã lên tới 280.000 MW gấp 3 lần công suất các nhà máy điện nguyên tử ở Mỹ. Đến nay, công suất các nhà máy điện nguyên tử trên thế giới chiếm 15% công suất các nhà máy điện, riêng ở Pháp chiếm 75%. Mỹ (nơi phát thải mỗi năm 6 tỷ tấn CO2) cùng nhiều nước phát triển khác đang thiết kế và sản xuất các loại máy móc thân thiện, không sử dụng nguyên liệu tạo khí thải carbon. Chính phủ Anh đã thông qua kế hoạch đầu tư 160 tỷ USD để xây dựng năng lượng gió bảo đảm cung cấp 1/4 nhu cầu năng lượng của Anh năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ... đã đầu tư vào việc trồng rừng, ngăn ngừa lũ lụt và bảo đảm diện tích thảm thực vật cần thiết. Nhiều nước phát động phong trào ngày đi bộ, hạn chế sử dụng các phượng tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Riêng Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) hướng tới 50% cư dân sử dụng xe đạp vào năm 2015. Thuỵ Điển có Chương trình đến năm 2020 sẽ trở thành quốc gia hoàn toàn sử dụng nguồn năng lượng có thể tái sinh như nhiên liệu sinh học, thuỷ điện, điện sức gió, địa nhiệt, năng lượng mặt trời... hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu khoáng sản. Một số công ty ở Thụy Sĩ đang nghiên cứu xây dựng nhà kính đô thị để trồng trọt trong khu đô thị...

Sự biến đổi khí hậu ngày nay hơn bao giờ hết đã trở thành một vấn đề trọng đại liên quan không chỉ đến việc sản xuất mà còn đến sự tồn tại của nhân loại. Vì thế việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu liên quan mật thiết đến giải quyết vấn đề ASXH. Và có thể nói giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu xét cho cùng là để giải quyết vấn đề ASXH, vì ASXH.

3. Sứ mệnh của báo chí trong hoạt động truyền thông an sinh xã hội và hạn chế biến đổi khí hậu

Cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, truyền thông ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó báo chí là một kênh quan trọng, chủ yếu nhất. Với khả năng tác động mạnh, nhanh, rộng khắp, tạo dựng và hướng dẫn dư luận xã hội, báo chí giữ vai trò chủ lực trong hoạt động truyền thông đại chúng.

Bản chất của ASXH mang tính nhân văn sâu sắc, vì con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Đứng trước những hiểm họa từ môi trường và biến đổi khí hậu tới ASXH trên bình diện toàn cầu, vấn đề tuyên truyền bảo vệ ASXH gắn liền với mục tiêu cảnh báo phòng ngừa, hạn chế biến đổi khí hậu phải được xem là chủ đề nóng bỏng của báo chí thế kỷ XXI. Chủ đề nóng bỏng này đối với báo chí nước ta cũng không ngoại lệ. Trách nhiệm của báo chí là tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ASXH và cảnh báo tác hại, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế biến đổi khí hậu. Đăng tải, phổ biến các quy định của pháp luật, giúp người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách ASXH, hiểu biết, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo luật định. Tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, mục đích của việc tham gia các chế độ ASXH cơ bản, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, từ đó tích cực, tự nguyện tham gia vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Tuyên truyền, động viên toàn xã hội, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực ASXH, cùng với Nhà nước chung tay thực hiện tốt các chính sách ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội các phong trào ASXH khác.

ASXH không chỉ là lưới che chắn, phòng ngừa, khắc phục rủi ro cho một bộ phận dân cư, mà ý nghĩa sâu sa của nó là nhằm bảo vệ sự an toàn, ổn định kinh tế, xã hội, vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, báo chí một mặt tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ASXH; tác động vào tư tưởng, nâng cao nhận thức của mọi người dân về việc ứng xử có văn hóa với môi trường sống. Mặt khác lên tiếng đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện chính sách, pháp luật ASXH và các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tàn phá tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, góp phần thực hiện công bằng xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì sự nghiệp ASXH và sự phát triển bền vững của đất nước.

Dó đó, các cơ quan báo chí, nhất là các tờ báo chủ lực của nước ta cũng cần có chiến lược truyền thông ASXH và hạn chế biến đổi khí hậu. Để các cơ quan báo chí làm tốt vai trò trách nhiệm của mình, cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí cần kịp thời định hướng, chỉ đạo thông tin, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin báo chí, tạo sự chia sẻ, đồng thuận xã hội với việc đảm bảo ASXH và kịp thời có giải pháp ngăn chặn, hạn chế, khắc phục biến đổi khí hậu. Chỉ đạo, định hướng kịp thời, sâu sát công tác tuyên truyền về những vấn đề xã hội và môi trường tự nhiên có tác động lớn tới ASXH, như: chăm lo đời sống dân sinh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội; an ninh lương thực, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Kịp thời khen thưởng, động viên những cơ quan báo chí, nhà báo có thành tích trong truyền thông vì ASXH và hạn chế biến đổi khí hậu, đồng thời cần xử lý nghiêm sai phạm của báo đưa thông tin gây tác động xấu tới ASXH theo quy định của luật pháp.

Do tính chất liên ngành, đa lĩnh vực của ASXH và mức độ, phạm vi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với con người, xã hội và nhân loại, cần huy động cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác truyền thông về các lĩnh vực nóng bỏng này. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống báo chí chuyên ngành ASXH, để lực lượng này đủ sức, đủ tầm cung cấp thông tin chính thống, chủ động định hướng và làm chủ thông tin, tăng cường hiệu quả truyền thông; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác trong thực hiện chính sách ASXH và bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu. Cần đưa nội dung ASXH và bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu vào trong chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo cử nhân báo chí. Đồng thời có những chương trình tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí, nhất là báo chí lĩnh vực ASXH nắm chắc, hiểu sâu về ASXH, môi trường và biến đổi khí hậu để sáng tạo, đăng tải các tác phẩm có giá trị, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xung kích, đi đầu trong cuộc chiến vì con người, vì ASXH và sự phát triển bền vững của quốc gia và nhân loại./.

 ThS. Dương Văn Thắng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất